Thứ hai, 29/04/2024 | 19:10
RSS

Egame của shark Thuỷ: Nợ phải trả tăng 10 lần, lỗ lũy kế gần 100 tỉ

Thứ năm, 29/09/2022, 15:12 (GMT+7)

Với khoản lỗ luỹ kế đến cuối năm 2021 là 96,8 tỉ đồng cho thấy, tình trạng thua lỗ của Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame đã kéo dài nhiều năm trước đó.

Egame của Shark Thuỷ Nợ phải trả tăng 10 lần, lỗ lũy kế gần 100 tỉ

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) 

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (SN 1982) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup - hệ sinh thái giáo dục với chuỗi hàng chục công ty con chuyên phát triển các lĩnh vực công nghệ - giáo dục.
Trong đó, cùng với Apax Holdings, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame là một trong những hạt nhân lõi thuộc hệ sinh thái Shark Nguyễn Ngọc Thủy.

Thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame được thành lập ngày 20/01/2014. 

Tại thời điểm 28/12/2016, vốn điều lệ Phân phối Egame đạt 162,2 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (SN 1982) sở hữu 94% cổ phần, bà Nguyễn Thị Dung sở hữu 2%, ông Đặng Văn Hiến sở hữu 3% và ông Nguyễn Văn Sơn nắm giữ 1% còn lại. Ông Thuỷ, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch HĐQT công ty.

Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý (cung cấp tư vấn, hướng dẫn và trợ giúp điều hành đối với nhà kinh doanh và các tổ chức khác trong vấn đề quản lý).

Tuy nhiên, từ thời điểm đầu năm 2022, nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc hàng loạt nhà đầu tư làm đơn cầu cứu vì quá tin tưởng vào những lời hứa hẹn khi góp nhiều tỷ đồng vào Công ty Egame của shark Thủy.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Đầu tư Phân phối nhưng khi hết hạn thỏa thuận thì không được công ty mua lại như cam kết. Nhà đầu tư phản ánh là bị ép tái ký thì mới được trả lãi.

Tìm hiểu về bức tranh tài chính của Phân phối Egame cho thấy, kết quả kinh doanh kém sắc đang là một phần nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này chậm trễ trong việc thực hiện quyền lợi đã cam kết với nhà đầu tư.

Kinh doanh lỗ chồng lỗ

Đơn cử, trong năm 2021, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ Egame đạt 9,9 tỉ đồng, giảm gần 4 lần so với cùng kỳ (38,3 tỉ đồng), giá vốn bán hàng hơn 7 tỷ đồng, khiến lãi gộp doanh nghiệp chỉ đạt 2,9 tỉ đồng, trong khi lãi gộp cùng kỳ đạt 11,2 tỉ đồng.

Dù đã tiết chế chi phí bán hàng về dưới 1 tỉ so với 6 tỉ đồng năm trước đó, song chi phí quản lý doanh nghiệp phình to lên 8,5 tỉ đồng, cộng với chi phí khác tăng gấp đôi, lên 4,2 tỉ đồng, kết quả Phân phối Egame báo lỗ sau thuế 10,7 tỉ đồng trong năm 2021. Năm 2020, doanh nghiệp cũng báo lỗ 4,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, với khoản lỗ luỹ kế đến cuối năm 2021 đạt 96,8 tỉ đồng cho thấy, tình trạng thua lỗ của Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame đã kéo dài nhiều năm trước đó và bị “cú bồi” thêm từ những khoảng hoảng trong 2 năm COVID-19 gần đây.

Một điểm đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính của Phân phối Egame trong năm qua, đó là việc nợ phải trả tăng đến 10 lần chỉ sau 12 tháng. Leo thẳng đứng đừ 219,9 tỉ đồng hồi đầu năm lên mức 2.204 tỉ đồng vào cuối năm.

Phần lớn số nợ này nằm ở khoản mục phải trả ngắn hạn khác với 2.151 tỉ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang gặp sức ép không nhỏ về mặt tài chính trong ngắn hạn.

Hậu quả của việc lỗ luỹ kế quá lớn đã “ăn mòn” gần hết vốn chủ sở hữu, về còn 65,3 tỉ đồng, trong khi vốn góp thực của chủ sở hữu đạt 162,2 tỉ đồng.

Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu Phân phối Egame là 33,7 lần. Một chỉ số phản ánh hầu như toàn bộ mức độ nguy hiểm của đòn bẩy tài chính mà doanh nghiệp đang sử dụng, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Phân phối Egame tính đến cuối năm gần nhất đạt 2.269 tỉ đồng, tăng gấp 7 lần so với hồi đầu năm. Phần biến động này phần lớn đến từ phải thu nội bộ ngắn hạn với 1.655 tỉ đồng, so với 50 tỉ đồng trước đó. 

Điểm thú vị nữa trong cơ cấu tài chính của Egame là việc tuy nợ phải trả tăng nhưng doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính. Ngoài ra, tiểu mục phải thu về cho vay ngắn hạn còn xuất hiện thêm 202,6 tỉ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ còn 1,3 tỉ đồng, giảm phân nửa so với con số 2,3 tỉ đồng hồi đầu năm.

Phản ánh đến các cơ quan báo chí hồi đầu tháng 3/2022, bà Thái Thị Bình (66 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày 5/1/2021, bà ký văn bản thoả thuận hợp tác chiến lược với Egame do ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT đứng tên. Nhưng trên thực tế, theo phản ánh của nhà đầu tư này thì vào ngày 28/2/2022, khi đến Công ty Egame để thanh lý Thỏa thuận, rút tiền về thì phía công ty từ chối trả tiền và yêu cầu tái ký.

Một nhà đầu tư khác là bà N.N.T (78 tuổi, ở Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phản ánh về việc ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược trị giá 2 tỉ đồng với Công ty Egame với các điều khoản tương tự. Đến ngày 19/10/2021, thỏa thuận giữa bà T. và Egame hết hạn nhưng bà T. cũng không lấy được tiền về. 

“Công ty yêu cầu tôi tái ký thì mới trả lãi, nếu không tái ký sẽ không được trả cả gốc lẫn lãi. Một cô em họ tôi cho vay 500 triệu đồng sợ mất tiền gốc nên vừa rồi tái ký thì đã được nhận lãi. Còn tôi kiên quyết thu hồi tiền về. Nếu công ty không giải quyết, tôi sẽ làm đơn kiện”, bà T. bức xúc nói.

 

 

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại