Bệnh nhi đang được điều trị tại BV Mắt TƯ
Ngày 15/4, BV Mắt TƯ cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bé N.V.H. (7 tuổi, ở Hà Tĩnh) suýt mù mắt do tự ý dùng thuốc chữa bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là Thiên đầu thống).
Trước đó, bệnh nhi được chuyển đến BV trong tình trạng bệnh glôcôm rất nặng, chỉ còn nhìn được bóng bàn tay của mình. Tại BV, dù đã được điều trị tích cực, thậm chí thay thủy tinh thể 2 mắt nhưng khả năng nhìn của bé chỉ còn 1/10. May mắn là cậu bé này chưa bị mù.
Gia đình cho biết, thời gian trước đó bé bị viêm kết mạc dị ứng. Gia đình đưa đi khám và bác sĩ kê đơn thuốc cho bé. Những lần sau đó, hễ thấy mắt bé đau, gia đình lại mua thuốc theo đơn cũ rồi cho bé sử dụng mà không biết thuốc có chứa corticoid.
“Nếu thấy bé ngứa mắt quá thì nhỏ ngày 3 lần, còn bình thường thì nhỏ 1 lần/ngày”, người nhà bé cho biết.
Bác sĩ Hoàng Cương - BV Mắt TƯ cho biết, glôcôm hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống là bệnh rất nguy hiểm. Bệnh gây tổn hại các tế bào hạch võng mạc và các tổn hại thị giác trong glôcôm không hồi phục được. Trong các bệnh gây mù lòa về mắt, bệnh glôcôm được xếp vào loại mù lòa không chữa được.
Hiện nay, đáng báo động là tình trạng người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị glôcôm do tra steroid kéo dài. Tại BV Mắt TƯ, 30% bệnh nhân đến khám có nguy cơ mù do lạm dụng corticoid.
Theo các chuyên gia, bệnh glôcôm thường khởi phát đột ngột. Biểu hiện dễ nhận thấy là mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng. Bệnh nhân thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống còn đếm ngón tay hoặc bóng bàn tay. Có trường hợp bệnh nhân chảy nước mắt nhưng không tiết rử mắt, mi mắt, sưng nề, mắt đỏ, giác mạc phù nề mờ đục.
Khi phát hiện mắc bệnh glôcôm cần được điều trị ngay bằng thuốc tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Bệnh nhân phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.
Các bác sĩ cũng lưu ý khi có biểu hện bất thường như nhìn mờ, đau đỏ mắt, cần đi khám chuyên khoa mắt. Để phòng bệnh cũng như chăm sóc mắt có thể nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày.