Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:09
RSS

Động đất 4,7 độ richter ở Kon Tum, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng cảm nhận rung lắc

Thứ ba, 23/08/2022, 17:33 (GMT+7)

Trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum mới xảy ra 3 trận động đất lớn. Đáng chú ý, một số tỉnh, thành khác ở miền Trung cũng cảm nhận được dư chấn từ các trận động đất này.

Sự kiện:
Kon Tum

Thông tin trên Báo Thanh niên cho biết, từ 14 giờ 10 phút – 15 giờ 10 phút ngày 23/8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu Việt Nam) cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa ghi nhận 3 trận động đất liên tiếp.

Cụ thể, trận động đất đầu tiên có cường độ 4,7 độ Richter xảy ra lúc 14 giờ 8 phút 4 giây ngày 23.8 tại vị trí tọa độ 14,768 độ vĩ bắc - 108,209 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km, thuộc khu vực huyện Kon Plông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

3 phút sau đó, trận động đất thứ 2 cũng xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông. Trận động đất này có cường độ 3,6 độ Richter, tại vị trí tọa độ 14,796 độ vĩ bắc - 108,252 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Đến 15 giờ 2 phút 9 giây cùng ngày trên địa bàn huyện này tiếp tục xảy ra trận động đất thứ 3 có độ lớn 3,7 độ Richter. Trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.801 độ vĩ bắc, 108.238 độ kinh đông.

Động đất 4,7 độ richter ở Kon Tum, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng cảm nhận rung lắc

Trận động đất mới xảy ra tại Kon Tum vào chiều ngày 23/8. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, trận động đất có cường độ 4,7 độ Richter xảy ra ngày 23/8 là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn chuỗi hàng trăm trận động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.

Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này. Đáng chú ý, một số tỉnh, thành khác ở miền Trung cũng cảm nhận được dư chấn từ các trận động đất.

Trao đổi với Tạp chí Tri thức trực tuyến ngày 23/8, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, bản thân cảm nhận được trận rung lắc do động đất gây ra và đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra tình hình. Ông Dũng cho hay người dân và cán bộ đang làm việc ở trụ sở UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My sau khi nghe rung lắc đã bỏ chạy ra vì lo sợ.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng thông tin trên Báo Người lao động, rất nhiều người dùng mạng Facebook ở hầu khắp các địa phương tại Quảng Nam như Tam Kỳ, Hội An Điện Bàn, thậm chí ở TP Đà Nẵng cũng cảm nhận rất rõ trận động đất.

Trong khi đó, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, tại địa phương, vào khoảng 14h10, một vụ rung lắc mạnh khiến người dân cảm nhận rõ.

"Sau khi nhận thông tin, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tổ chức trấn an người dân cũng như kiểm tra tình hình, đánh giá việc rung lắc mạnh gây thiệt hại gì để có báo cáo gấp. Tôi cũng vừa đi kiểm tra tại thủy điện Sông Tranh 2 về để chắc chắn không có sự cố gì xảy ra", ông Vũ nói.

Chia sẻ trên Báo sức khỏe & Đời sống, một người dân sống ở Đà Nẵng cho biết khoảng 14h20, khi ông đang làm việc trên tầng 8 của một tòa nhà tại TP Đà Nẵng đã cảm nhận rung lắc và thấy đồ đạc bị chao đảo, mất thăng bằng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại