Theo BCTC quý I của Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (HoSE: AGG) vừa công bố, doanh nghiệp này đạt doanh thu 189 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm được các loại chi phí, AGG vẫn báo lãi sau thuế quý 1 đạt 12 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Song, điểm đáng chú ý là dòng tiền kinh doanh của AGG trong quý lại âm tới 532 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn ghi nhận con số dương 784 tỷ đồng.
Hàng loạt DN địa ốc rơi vào tình trạng âm dòng tiền. Ảnh: PhuDong Group
Tính đến 31/3, tổng tài sản AGG đạt 10.600 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Hàng tồn kho của AGG đạt 4.059 tỷ đồng (chủ yếu là bất động sản dở dang), chiếm 47% trong tổng tài sản ngắn hạn. Trong đó tập trung lớn nhất ở 3 dự án Westgate (3.184 tỷ đồng), The Standard (337 tỷ đồng) và Signial (376 tỷ đồng).
Tương tự, tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Nam Long âm hơn 347 tỷ đồng, chủ yếu do khoản chi để tăng hàng tồn kho.
Qua đó, lượng hàng tồn kho của NLG tính đến hết quý I chiếm giá trị gần 15.612 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm (tương đương tăng thêm hơn 780 tỷ đồng), chủ yếu là tăng bất động sản dở dang tại hai dự án Izumi, Southgate.
Đây cũng là hai dự án có hàng tồn kho lớn nhất của NLG với giá trị lần lượt đạt 8.628 tỷ đồng và 3.663 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC), trong quý I, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Hodeco còn ghi nhận âm 23,5 tỷ đồng. Tính tới 31/3, lượng tồn kho ghi nhận tại doanh nghiệp là 1.130,6 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng tài sản.
Theo báo cáo của FiinRatings, trong quý I, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.
"Môi trường kinh doanh bất lợi cũng đang khiến cho tốc độ bán hàng tại các dự án bị chậm lại, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu "khủng", báo cáo của FiinRatings nêu.
Trong quý I, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã triển khai nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu để xoay chuyển dòng tiền. Ảnh: PhuDong Group
Cũng theo FiinRatings, nhiều doanh nghiệp nhà đất đang ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000 - 1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp nhiều lần trong năm qua cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc chỉ bằng 64,91% năm ngoái.
"Số liệu của 50 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy tình hình tài chính chung có dấu hiệu giảm sút. Chỉ số nợ vay/EBITDA đã tăng 1,53 lần, trong khi khả năng chi trả lãi vay cho thấy sự tương quan nghịch và giảm 1,78 lần so với năm 2021", theo FiinRatings.
Có thể thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã mạnh tay tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án hoặc dừng IPO. Các đơn vị đồng thời phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí muốn chuyển nhượng bớt dự án nhưng không tìm được nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân lực, có nơi giảm đến 50% số lao động, giảm lương 30-50%.
Chẳng hạn, theo BCTC mới công bố của Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG), trong quý 1, số lượng nhân sự của Đất Xanh tại thời điểm 31/3 chỉ còn ghi nhận 2.389 người, giảm đáng kể so với 3.773 người thời điểm cuối năm 2022 hay 6.433 người vào cuối năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) có 355 nhân sự, giảm 15,5% so với cuối tháng 9/2022, tương đương 67 người, nhưng tăng 35 người so với cuối năm 2021.
Hoặc tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HoSE: NVL) cũng ghi nhận lượng nhân sự 1.404 người vào cuối năm 2022, trong khi đó, cuối quý 2/2022, con số này là 1.932, tương đương đã giảm 528 người.
Trước đó, theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2023 là 940 doanh nghiệp). Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, doanh nghiệp bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.
"Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.
Sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bất động sản được đánh giá kém lạc quan? Số liệu từ FiinRatings cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn đang tiếp tục tăng. Dư nợ chủ yếu đến từ các lô trái phiếu được tái cơ cấu thời gian đáo hạn. Đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 110.000 tỷ đồng. Trong khi đó, từ đầu tháng 4 đến nay, theo thông tin của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có 14 lượt doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ trái phiếu. Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ lệ cao. |