Theo đó, để triển khai việc tiêm vắc xin, Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ đã thực hiện các điều kiện cần thiết như bố trí riêng các khâu theo từng khu vực:
Tiếp đón, khám sàng lọc, chờ tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm. Bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thuốc, dịch truyền chống sốc, máy hỗ trợ thở để kịp thời xử trí với những trường hợp có phản ứng sau tiêm.
Tiêm vắc - xin phòng covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.
Ngoài đảm bảo an toàn tiêm, việc tuân thủ nghiêm ngặt các bước phòng lây nhiễm Covid-19 cũng được chú trọng. Theo đó, vị trí bàn tiêm và người chờ tiêm được bố trí giãn cách. Bệnh viện cũng đã sắp xếp, công khai danh sách tiêm theo buổi, theo giờ để tránh tập trung đông người.
Sau khi tiêm vắc xin Covid - 19, các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm và theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày tiếp theo.
1.900 liều vắc xin Covid - 19 sẽ được tỉnh Điện Biên ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ nhiễm virus SARS CoV-2.
Theo kế hoạch, trong hai ngày (18 và 19/3), tại điểm tiêm Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sẽ có 172 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế là những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (100% số người được tiêm vắc xin đợt này đều làm việc tại Bệnh viện dã chiến).
Trước đó, sáng ngày 17/3, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.