Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:49
RSS

Dịch vụ thuê thanh niên đồng hành leo núi tại Trung Quốc

Thứ tư, 11/12/2024, 16:11 (GMT+7)

Họ tự quảng bá bản thân trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin và Tiểu Hồng Thư, nêu rõ kinh nghiệm leo núi, thể lực và mức giá dịch vụ, dao động từ 200 - 600 tệ.

Xu hướng "pei pa" - thuê bạn đồng hành leo núi, đang bùng nổ tại Trung Quốc đặc biệt trong năm 2024. Wendy Chen, cô gái 25 tuổi, quyết định thuê một chàng trai trẻ để hỗ trợ mình leo núi Thái Sơn, sau khi không tìm được bạn đồng hành. Với chi phí 350 tệ, Wendy đã có trải nghiệm chinh phục đỉnh núi cao 1.500 mét đầy ấn tượng.

Dịch vụ thuê thanh niên đồng hành leo núi tại Trung Quốc

Những người cung cấp dịch vụ pei pa thường là sinh viên đại học, cựu quân nhân hoặc người trẻ yêu thích leo núi. Họ tự quảng bá bản thân trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin và Tiểu Hồng Thư, nêu rõ kinh nghiệm leo núi, thể lực và mức giá dịch vụ, dao động từ 200 - 600 tệ. Không chỉ hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn thể lực, các pei pa còn đóng vai trò như người bạn đồng hành, động viên bằng lời nói, ca hát, kể chuyện, hay thậm chí xách đồ giúp khách.

Khách hàng nữ (phải) trả tiền để Chen Wudi đồng hành leo núi. Sohu.

Wendy đã bắt đầu hành trình vào tối muộn để kịp ngắm bình minh. Người bạn đồng hành giúp cô chuẩn bị áo khoác, tìm nơi nghỉ qua đêm an toàn và chuẩn bị các đạo cụ như quốc kỳ để tạo bức ảnh kỷ niệm. Wendy nhận xét rằng ngoài yếu tố kinh nghiệm, ngoại hình của các pei pa cũng là lợi thế lớn. "Những người đẹp trai hơn thường được trả phí cao hơn", cô chia sẻ.

Công việc hấp dẫn nhưng đầy thử thách

Chris Zhang, sinh viên đại học 20 tuổi, đã tham gia thị trường pei pa vào mùa hè năm nay và kiếm được hơn 20.000 tệ trong ba tháng. So với mức thu nhập 2.000 tệ mỗi tháng của các bạn cùng lớp thực tập, công việc này không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn tạo cơ hội tận hưởng thiên nhiên. Tương tự, Chen Wudi, 27 tuổi, đã chọn làm pei pa toàn thời gian sau khi nghỉ việc bán hàng. Anh có thể kiếm đến 20.000 tệ mỗi tháng - gấp đôi mức lương trung bình ở Trung Quốc.

Dù thu nhập hấp dẫn, công việc pei pa đòi hỏi thể lực tốt và sự kiên nhẫn. Chen Wudi thừa nhận việc leo núi 2-3 lần mỗi ngày khiến anh bị đau đầu gối và khó duy trì lâu dài. "Tôi chỉ có thể làm công việc này thêm vài tháng hoặc nửa năm nữa", anh chia sẻ.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường pei pa cũng gây ra nhiều lo ngại. Vì chưa được quản lý chặt chẽ, dịch vụ này tiềm ẩn rủi ro an toàn, đặc biệt với phụ nữ trẻ hoặc những gia đình có con nhỏ. Các pei pa chỉ là hướng dẫn viên nghiệp dư, thiếu kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo có thể lợi dụng xu hướng này để trục lợi.

Dù vậy, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc ở mức cao, trở thành pei pa là một cách nhanh chóng giúp người trẻ kiếm sống và tận dụng sở thích cá nhân. Với nhiều người, công việc này là giải pháp tạm thời để vượt qua khó khăn kinh tế, khi họ tiếp tục tìm kiếm hướng đi lâu dài hơn trong tương lai.

Trọng Hà (Theo Sohu)
Theo Dân Việt