Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:16
RSS

Đề xuất chuyển xe khách tuyến cố định thành các tuyến xe buýt

Thứ ba, 05/11/2019, 08:00 (GMT+7)

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chuyển xe khách tuyến cố định thành các tuyến xe buýt.

Đề xuất chuyển xe khách tuyến cố định thành các tuyến xe buýt

Xe hợp đồng trá hình, xe Limousine bùng phát đang cạnh tranh bất bình đẳng với xe tuyến cố địnhẢnh minh họa

Thông tin trên VNE, tại hội thảo quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định ngày 4/11, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị Bộ giao thông Vận tải xem xét cho phép các xe tuyến xe khách có cự ly dưới 200km, tần suất chạy xe lớn chuyển thành các tuyến xe buýt.

Theo lý giải của ông Quyền, hiện nay nhiều hãng xe khách đang gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi khi phải cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác như xe công nghệ taxi và hành khách đến bến phải chờ đợi lâu mới được đi nên việc chuyển đổi xe khách thành xe buýt là một giải pháp hữu hiệu.

Tiêu chí phương tiện của xe buýt chạy nội đô và xe buýt đường dài sẽ khác nhau. Luồng tuyến xe buýt xuất phát ở hai đầu bến xe thì không khác hoạt động của xe khách hiện nay, cơ quan chức năng chỉ phải xác định điểm đón trên đường ở đâu, còn nếu doanh nghiệp muốn điểm đầu cuối vượt ra ngoài bến xe thì cần nghiên cứu thêm. Kiến nghị này được nhiều doanh nghiệp vận tải đồng tình.

Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết, khi các bến xe bị đẩy ra ngoài trung tâm sẽ khiến người dân tiếp cận phương tiện công cộng ngày càng khó khăn. Khi đó, người dân buộc phải tìm phương tiện khác, tạo điều kiện cho xe dù phát triển. Khi Hà Nội chuyển tuyến Thái Bình về bến xe Nước Ngầm, hầu hết các doanh nghiệp tuyến cố định đã phá sản, từ đây xe hợp đồng trá hình, “xe dù bến cóc” nở rộ.

“Chỉ tính riêng ở Thái Bình, đã có 600 xe hợp đồng hoạt động theo hình thức trá hình. Nếu số xe này cộng với xe các tỉnh khác luồn lách các ngõ ngách của Thủ đô, hạ tầng khó đáp ứng được. Xe tuyến cố định dần dần bị lu mờ, bến xe Giáp Bát trước đây đông đúc xe là thế, nhưng hiện rất đìu hiu”, ông Hà dẫn chứng.

Báo Giao Thông cho hay, tại cuộc họp, ông Lưu Huy Hà đề xuất, xe tuyến cố định có quá nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, vì vậy những tuyến nào có tần xuất lớn có khoảng cách dưới 200 km nên chuyển thành mô hình xe buýt, nếu được vào sâu trung tâm thành phố sẽ tốt hơn. Nên đầu tư theo mô hình xã hội hóa, coi tuyến cố định là loại hình xe buýt, sẽ không phải bỏ ngân sách Nhà nước để trợ giá.

Để giảm bớt mâu thuẫn này, cần nới lỏng điều kiện cho xe tuyến cố định, tiếp cận thị trường, bám sát nhu cầu đi lại của hành khách; đồng thời tăng cường giải pháp quản lý đối với xe hợp đồng. Các sở GTVT, nhất là sở GTVT các thành phố lớn cần xác định vị trí và cắm biển cho phép xe tuyến cố định dừng đón trả khách.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tình trạng "xe dù bến cóc gây búc xúc ở hầu hết các địa phương. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu đổi mới tổ chức vận tải khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Giải pháp trước mắt, Tổng cục sẽ rà soát lại các điều kiện kinh doanh tuyến cố định, cắt giảm tối đa các điều kiện khi sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN