Bộ Y tế yêu cầu chặt nhiều cây trong trường học
Vụ việc 20 học sinh của một trường tiểu học tại Nghệ An phải nhập viện vì ăn quả cây ngô đồng ở sân trường đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người về vấn đề trồng cây gì và trồng như thế nào trong khuôn viên nhà ở, trường học để vừa đảm bảo mỹ quan, vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên học sinh bị ngộ độc do ăn quả cây trồng. Thời gian qua nhiều địa phương đã xảy ra ngộ độc do trẻ em ăn quả của loài cây, hoa có trong khuôn viên trường học. Các loài cây, hoa này được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại, song chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.
Học sinh tiểu học ở Nghệ An phải nhập viện do ngộ độc vì ăn phải quả cây ngô đồng trồng ở sân trường
Tiến sĩ sinh học Bùi Văn Lệ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên trồng các loại hoa, cây cảnh. Vì có thể loại hoa cây cảnh đó cực kỳ độc mà bố mẹ không biết.
Ông nói: “Tốt nhất, các bố mẹ, ông bà, người trông trẻ nên cẩn thận, tuyệt đối không để các bé nghịch, cầm hay cho bất cứ loại lá cây nào vào miệng. Hơn thế, bé có thể nghịch đất trồng trong chậu rất bẩn, dễ nhiễm giun sán. Những loại hoa cây cảnh không chỉ độc với bé mà còn độc với cả người lớn”.
Mới đây, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả. Cục cũng đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc.
Nếu trường phải trồng các cây này với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có bảng cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Các trường tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đồng thời giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe học sinh nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc.
6 loại cây chứa độc tố
Cây cà độc dược (Datura alba Lour): Các hóa chất trong cà độc dược như scopolamine và atropine làm mờ mắt, buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, tăng thân nhiệt, thậm chí dẫn đến ngừng tim, tử vong.
Cây thông thiên (Thevetia peruviana) cũng thuộc họ trúc đào, chứa nhiều chất độc ở hoa, lá, quả và hạt. Các độc tố trong cây thông thiên bao gồm: thevetin, neriin, glucozid có thể gây tử vong ở người.
Cây thầu dầu, hay còn gọi là cây đu đủ tía (Ricinus communis). Những người ngộ độc từ cây này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật lâu, suy tạng gây tử vong.
Cây trúc đào (Nerium oleander) Toàn thân Trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Việc phơi khô hoặc nấu chín cũng không làm mất tính độc của loài thực vật này. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc do mủ hoa cây trúc đào.
Hiện nay, trúc đào đang được trồng rất nhiều ở trên các tuyến phố, vườn hoa, nơi công cộng.
Đỗ Quyên (Rhododendron occidentale), tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 gram lá Đỗ Quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em 25kg.
Hồng môn (Anthurium spp), tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine Việc ăn phải loại thực vật này có thể gây bỏng rát vùng họng, dạ dày và ruột.
Siêu thực phẩm giúp bạn sống lâu