Dịp Tết, nhiều căn bệnh như gan nhiễm mỡ, mỡ máu, ngộ độc, tiêu chảy tăng cao (ảnh minh họa)
Bệnh về gan
Thói quen uống nhiều rượu bia, ăn vặt nhiều đồ ngọt, kết hợp chế độ ăn giàu đạm, mỡ trong dịp Tết sẽ khiến lá gan rơi vào tình trạng quá tải. Do đó, số lượng người mắc gan nhiễm mỡ tăng nhanh chóng. Bất cứ người nào uống rượu (dù không quá nhiều) nhưng trong một thời gian dài cũng dễ dàng phát triển thành gan nhiễm mỡ, tế bào gan sưng lên chứa mỡ và nước. Trên siêu âm, kích thước của gan có thể to và trắng hơn bình thường.
Gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới viêm gan, xơ gan, ung thư gan cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Giải pháp: Hạn chế uống bia rượu ngày tết. Mỗi lần chúc rượu không nên uống quá nhiều. Đừng bao giờ quên mỗi ngày bạn chỉ được uống giới hạn 2 chén rượu để bảo vệ sức khỏe lá gan.
Mỡ máu cao
Sau mỗi dịp tết cổ truyền tình trạng mỡ máu lại tăng đột biến và tỉ lệ gặp những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cũng tăng theo tỉ lệ thuận.
Các chuyên gia lý giải dịp Tết các món xào, nấu nhiều dầu mỡ rất được ưa chuộng. Bên cạnh đó là tình trạng ăn vặt nhiều (bánh kẹo, nước ngọt, …) và sử dụng nhiều bia, rượu.
Giải pháp: Hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, các món ăn vặt và rượu bia. Hạn chế đảo lộn nhịp sinh hoạt quá nhiều, đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục.
Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm dịp Tết cổ truyền luôn tăng cao hàng chục lần so với bình thường, bên cạnh đó là tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng tăng rất cao. Ngộ độc có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào với những nguyên nhân khác nhau như dùng thức ăn kém vệ sinh, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm không rõ nguồn gốc chất lượng hoặc ăn cùng lúc những món kị nhau.
Ngoài tình trạng thực phẩm bẩn thì các loại bánh kẹo tết cũng bị làm nhái, làm giả rất nhiều. Rất nhiều bánh kẹo hết hạn được đóng gói lại, làm lại bao bì hoặc làm mới hạn sử dụng. Tình trạng ngộ độc rượu dịp Tết cũng được các chuyên gia Y tế cảnh báo khi hàng năm lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu với biến chứng nặng ngày càng tăng cao.
Biểu hiện thường thấy của ngộ độc thực phẩm là nôn ói, tiêu chảy. Bị tiêu chảy vào dịp Tết là một trong những tình trạng tồi tệ và phiền toái nhất. Tiêu chảy khiến cơ thể bạn bị mất nước nhanh chóng nên rất nguy hiểm.
Giải pháp: Nếu chắc chắn bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, bạn hãy ngay lập tức ngừng việc ăn uống những thực phẩm trước đó mình đã ăn. Cố gắng nôn ra bằng hết những thực phẩm đó. Sau đó, hãy uống dung dịch nước cháo muối hoặc orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất.
Bệnh táo bón
Tưởng chừng vô lý nhưng tình trạng táo bón vẫn diễn ra khá nhiều. Nguyên chủ yếu là do chế độ ăn ít chất xơ, chế độ sinh hoạt bị đảo lộn, ít vận động và do lạm dụng các loại cà phê, nước giải khát có ga khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Táo bón thường gặp ở nhóm người lao động trí óc hơn là những người lao động chân tay. Bệnh cũng gặp ở phụ nữ do dễ gặp phải căng thẳng trong cuộc sống.
Giải pháp: Bổ sung chất xơ vào bữa ăn hàng ngày. Duy trì chế độ ăn khoa học thường ngày sẽ giúp ngăn chặn táo bón cùng những bệnh đường ruột khác.
Bệnh dị ứng
Căn bệnh dị ứng ở mắt như viêm kết mạc rất phổ biến vào dịp tết đến xuân về. Nguyên nhân được cho là nhiều vật dụng trang trí nhà như cây cảnh, hoa chơi tết có thể phát tán phấn hoa gây bệnh viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, chúng ta có xu hướng du xuân ngoài đường nhiều hơn vào dịp tết. Khói bụi ô nhiễm ngoài đường cũng vô tình tấn công mắt, mũi. thời tiết càng ẩm thì không khí càng ô nhiễm, bệnh càng có thể nặng hơn.
Giải pháp: Nếu thấy xuất hiện trạng thái khó chịu ở mắt, tốt nhất không nên dụi mắt. Nên sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi tác nhân gây dị ứng, sau đó đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. Khi đi ngoài đường nên trang bị khẩu trang, đeo kính chống bụi, chống nắng cẩn thận.
Xem video: Xem người dân Nhật tại ngôi làng thần kỳ trông rau sạch như thế nào?