Thứ ba, 28/01/2025 | 09:25
RSS

Đánh thức tinh thần sáng tạo của người Hà Nội

Thứ ba, 05/11/2024, 07:03 (GMT+7)

Mỗi năm một chủ đề mới, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã dần khẳng định được thương hiệu và là dịp hội tụ, giao thoa của 12 ngành công nghiệp văn hóa. Đây là minh chứng cho những quyết tâm hiện thực hóa khát vọng sáng tạo mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là 1 trong 7 công trình di sản lịch sử mà Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 chọn để tổ chức các hoạt động sáng tạo. Ảnh: ITN.

Nhiều điều thú vị

Nhìn lại 3 mùa tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội có quy mô lớn dần, với nhiều hoạt động, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Với những chuỗi sự kiện ấn tượng, Lễ hội đã tạo ra một bản giao hưởng khơi dậy các nguồn lực văn hóa Hà Nội cho hoạt động sáng tạo. Năm nay với chủ đề “Giao lộ ánh sáng”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội diễn ra từ ngày 9 đến 7/11.

Bên cạnh các ngành du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang, quảng cáo, phần mềm và trò chơi giải trí đã là thế mạnh của các mùa trước, thì năm nay, Lễ hội sẽ mở rộng sang lĩnh vực các không gian văn hóa sáng tạo, điện ảnh, truyền hình - phát thanh và xuất bản với một chuỗi sự kiện quy tụ 12 ngành công nghiệp văn hóa.

Theo đó, sẽ có khoảng gần 100 hoạt động sáng tạo diễn ra. Điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm. Nhiều tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực sáng tạo cũng sẽ được tổ chức.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục là một sự bứt phá, mang đến nhiều điều thú vị mới, sẽ khơi dậy hơn nữa tinh thần sáng tạo trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ về những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo mới, thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo của thành phố, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo với vị thế của Thủ đô - trung tâm sáng tạo của cả nước.

Ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo là một sân chơi của các nghệ sĩ và đặc biệt đối với những bạn trẻ làm sáng tạo, là cơ hội để người dân được tiếp cận những sản phẩm sáng tạo. Đây cũng chính là cầu nối giữa người làm sáng tạo với thị trường. Có nhiều sản phẩm từ lễ hội đã hỗ trợ và giúp cho nghệ sĩ có điều kiện, tiếp tục sáng tác và làm nghệ thuật tốt hơn.

“Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm nay gắn di sản đô thị với thiết kế sáng tạo là một chủ đề phù hợp khi cộng đồng đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ di sản” - ông Long chia sẻ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội tạo không gian cho nghệ thuật có cơ hội phát triển. Ảnh. P. Sỹ.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội cũng sẽ góp phần kết nối, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trong quá trình tái thiết đô thị gắn với phát triển không gian sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Điển hình như, cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội tại 19 Lê Thánh Tông là nơi diễn ra nhiều hoạt động, tập trung vào hội thảo, tọa đàm, trưng bày - triển lãm, tour tham quan. Đặc biệt, tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương” được coi như một đại triển lãm được diễn ra với 22 tác phẩm trưng bày, sắp đặt ánh sáng khác nhau.

“Cảm thức Đông Dương” sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Có thể nói, tổ hợp triển lãm chính là cuộc đối thoại với chính công trình di sản này.

TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, những sự kiện như là Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã kết nối quá khứ và hiện tại, là cách làm sống lại di sản. Đây là cơ hội rất lớn với cộng đồng người yêu Hà Nội để cùng thành phố phát triển với nhiều sáng tạo hơn nữa. Qua đó, tinh thần sáng tạo được khơi dậy từ trong chính mỗi người, đánh thức những cảm xúc mới, khát vọng, mong muốn sáng tạo và là cơ hội để những sáng tạo có thể là nhỏ bé nhưng có thể phát triển tiếp thành những điều rất mới, rất thú vị, rất độc đáo.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh - người sáng lập, giám đốc nghệ thuật của dự án “Lên ngàn”, đồng thời là Tổng đạo diễn Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lễ hội đã tạo ra sự hợp tác công tư giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý đất công đến với các chủ đề sáng tạo.

“Điều đặc biệt của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội tập trung nhiều vào chủ đề nhằm tạo ra không gian giữa công chúng và những người sáng tạo. Như năm nay tập trung vào các ý tưởng, không gian dành cho cộng đồng. Nhất là các sáng tạo vì cộng đồng. Khi thực hiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, chúng tôi kỳ vọng đóng góp về sự nhận diện giá trị của công nghiệp văn hóa, mang lại suy nghĩ khác đến với công chúng. Tạo ra môi trường thúc đẩy nhiều tác phẩm, cũng như các dự án mới chỉ dừng lại ở ý tưởng nhưng có một môi trường dung dưỡng để trở thành hiện thực. Đó là nền tảng quan trọng nhất của một nền công nghiệp văn hóa” - ông Hoàng Anh chia sẻ.

Phạm Sỹ
Theo Đại Đoàn Kết