Bức ảnh gây xúc động đối với nhiều người Việt Nam trong thời điểm cả nước đang hết sức mình chống dịch covid-19
Bức ảnh trên sau khi xuất hiện và được chia sẻ đã khiến rất nhiều người xúc động rơi nước mắt, cảm phục trước sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của những người tham gia chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Được biết, tác giả của bức ảnh trên tên là Mai Xuân Tứ, thành viên đội PUN (Đội Phản ứng nhanh Sài Gòn) chụp. Anh Tứ cũng là thành viên chở đội ngũ xịt khuẩn đang chạy phía sau. Theo tác giả, những người mặc áo xanh trên là các nhân viên đội phun khử khuẩn, sau khi phun xong về gặp trời mưa mà đoạn đường không có chỗ trú. Do tính chất công việc nên người trong và ngoài xe không được tiếp xúc cho đến khi về đến trạm để khử khuẩn.
Ngay từ đầu tháng 6, khi TP.HCM bắt đầu bước vào làn sóng dịch thứ 4 cũng là lúc những thành viên trong đội Phản ứng nhanh Sài Gòn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ và sẵn sàng những chuyến đi vì thành phố và đồng bào.
Đội phản ứng nhanh Sài Gòn bao gồm 80 tình nguyện viên dùng xe bán tải cá nhân tham gia công tác vận chuyển hàng hoá, thực phẩm, suất ăn, vật phẩm y tế... hỗ trợ người nghèo ở các khu bị phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách.
Thời gian qua, Đội Phản ứng nhanh Sài Gòn đã vận chuyển được hàng trăm tấn nông sản và thực phẩm (gạo, rau, thịt, trứng...), nấu nhiều bữa cơm miễn phí, phát quà hỗ trợ người lao động nghèo, bị mất thu nhập, vận chuyển các thiết bị đến các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Nhiệt Đới, Chợ Rẫy ...
Khi phóng viên Gia đình và xã hội liên hệ với chị Thái Phương Thanh, người tiếp nhận và điều hành các chuyến đi của đội Phản ứng nhanh Sài Gòn cho hay, chị cùng mọi người trong đội đang tập trung dốc sức mình để làm "người vận chuyển những trái tim trên chuyến xe 0 đồng". Các anh chị muốn làm việc âm thầm và không muốn nổi tiếng bất đắc dĩ trên mạng. Chị Phương Thanh chia sẻ.
"Hôm qua Sài Gòn đổ mưa bất ngờ, Đội Phản ứng nhanh tụi mình nhận nhiệm vụ đưa đội ngũ phun xịt khử khuẩn cố định hằng ngày đến các điểm nóng, ổ dịch tại Sài Gòn.
Lượt về trời mưa tầm tã như trút nước, trắng xoá đất trời. Vậy mà các bạn không ngại khó, ngại khổ, ngồi bên ngoài thùng xe vì sợ ngồi trong cabin sẽ lây nhiễm cho tài xế và các thành viên khác của Đội Phản ứng nhanh.
Mưa to quá nên các bạn phải choàng vai nhau, ngồi chụm lại để tránh mưa gió tạt"
Chị Thái Phương Thanh cùng các thành viên Đội Phản ứng nhanh đã âm thầm làm rất nhiều việc giúp đỡ bà con cũng như lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Được biết, Đội Phản ứng nhanh Sài Gòn hiện tại có 80 thành viên thuộc các ngành nghề khác nhau. Mỗi tài xế một ngày chạy 4-5 tiếng, ngày 2-3 chuyến, chở nào là gạo, rau, củ, quả, nhu yếu phẩm và gồm cả đưa đón y bác sĩ đi tiêm vaccine, đi test mẫu, xịt khuẩn... Trung bình mỗi thành viên bỏ tiền túi ra mỗi ngày khoảng 1 triệu để đổ xăng, dầu, vé cầu đường. Người nào có sức, có tiềm lực thì chạy nhiều, ai có ít thời gian và chi phí thì chạy ít hơn.
"Nhiều người gọi điện, hỏi thăm và muốn ủng hộ, hỗ trợ xăng dầu nhưng mà tụi mình làm là từ tâm, có sức bao nhiêu thì tự nguyện đóng góp bấy nhiêu thôi. Đến chỗ nào mà thấy bà con khó khăn quá, anh em cũng tự góp tiền lại hỗ trợ bà con...", anh Thiên Hùng, thành viên tham gia đội Phản ứng nhanh Sài Gòn cho hay.
Thành viên trong Đội phản ứng nhanh vận chuyển hàng hóa thực phẩm đến cho bà con các khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Theo anh Ngọc Thiện - thành viên của Đội Phản ứng nhanh Sài Gòn thì để tham gia hỗ trợ, các thành viên phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng để đến nơi nhận chở hàng chục tấn thực phẩm, nhu yếu phẩm vận chuyển khắp TPHCM cho bà con trong khu vực phong tỏa, cách ly. Ngoài ra, các anh cũng phụ trách giao cơm đến các bệnh viện dã chiến, đến khoảng 9-10 giờ đêm, những tài xế trong "biệt đội xe bán tải" mới được nghỉ ngơi. Mỗi ngày đi tình nguyện, các anh chỉ ăn bánh mì hoặc mang theo cơm đã chuẩn bị sẵn.
"Buổi trưa đói đâu, anh em tôi tấp xe ăn chỗ đó, ăn xong lại tiếp tục phục vụ bà con. Nhiều khi mệt thì có mệt đó nhưng được phục vụ bà con là niềm vui của anh em nên chúng tôi ít mệt lắm", anh Thiện cho hay.