Các gói tương tự cà phê tiện lợi có chứa nhiều loại ma túy. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng
Mới đây, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố thông báo về thủ đoạn mới của tội phạm ma túy xuất hiện trên địa bàn.
Theo Phòng Kỹ thuật hình sự, thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận trưng cầu giám định đối với chất bột trong các gói nilon có nhãn hiệu “White Coffee”, “Coffee House”…
Qua công tác giám định, đã xác định trong các gói tương tự cà phê nói trên có các loại ma túy MDMA, Methamphetamine, Ketamine và Nimetazepam. Trong đó, Nimetazepam là một loại ma túy tổng hợp lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết, thủ đoạn mới của bọn tội phạm là sử dụng nhiều loại ma túy khác nhau pha trộn, đóng gói dưới dạng gói thực phẩm, đồ uống; quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các sản phẩm có bao bì, nhãn mác, màu sắc và mùi hương chất bột như các loại cà phê tiện lợi thường dùng. Người sử dụng chỉ việc pha chất bột này với nước và sử dụng như các loại nước giải khát, cà phê.
Khi cố ý hay vô tình sử dụng loại nước này, các chất ma túy nói trên sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác mạnh và có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc rơi vào trạng thái hôn mê, vô thức, có thể tử vong.
Nhiều loại ma túy khác nhau pha trộn, đóng gói dưới dạng gói đồ uống. Ảnh: Công an TP Đà Nẵng
Trước tình trạng này, Phòng Kỹ thuật hình sự đề nghị công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an phường, xã biết, chủ động trong việc nhận diện, tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác để phòng ngừa, ngăn chặn.
Trước đó, Việt Nam đã ghi nhận việc xuất hiện ma túy “núp bóng” dưới hai dạng, thứ nhất là các loại hàng hóa (bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm...) có chứa chất ma túy; thứ hai là ma túy được pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...
Các loại ma túy này rất dễ được các đối tượng tội phạm lợi dụng để trà trộn, giao dịch trên thị trường. Những thực phẩm này hướng tới người tiêu thụ là các học sinh, sinh viên tại các trường học. Trường hợp vô tình sử dụng các loại hàng hóa, thực phẩm bị pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, gây ảo giác mạnh, loạn thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Trước tình hình ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này.
Đồng thời đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội