Chủ nhật, 08/12/2024 | 10:42
RSS

Cuối năm, đề phòng “thủng ví” trước những trò lừa bịp này

Thứ tư, 14/12/2016, 17:35 (GMT+7)

Cuối năm là dịp các chiêu lừa đảo xuất hiện nhan nhản trên mạng. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ rất dễ bị mất tiền oan với những trò lừa đảo này.

Bán vé tàu giả dịp Tết

Báo pháp luật Việt Nam đưa tin, thời gian vừa qua đã ghi nhận 8 trường hợp thẻ lên tàu giả. Trong số đó có 4 vé tàu bị làm giả mã vạch. 4 vé còn lại không có tên hành khách và thông tin sai lệch với hệ thống. Những hành khách này hầu hết đều mua vé ở chợ đen hoặc các website chui.

Trước đó, đường sắt Sài Gòn cũng đã cảnh báo tình trạng nhiều website bán vé tàu giả mạo đang xuất hiện trên mạng. Những trang này đa phần có tên miền nước ngoài, bán vé với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé niêm yết. Đối tượng mà các web này hướng đến lừa đảo chủ yếu là hành khách nước ngoài.

Bán vé máy bay giả mạo

những trò lừa đảo cuối năm bán vé máy bay

Bán vé máy bay giả là một trong những chiêu lừa đảo dễ mắc phải (Ảnh internet)

Do mua vé máy bay không cần xuất vé mà chỉ cần xuất mã code nên khách hàng khó lòng phát hiện ra sự giả mạo. Những kẻ lừa đảo mua một vé từ đại lý chính hãng, có được mã code, sau đó dùng phần mềm chỉnh sửa chỉnh hàng loạt tên khách hàng khác nhau, in ra và thu lợi. Không ít hành khách trong và ngoài nước đã dính quả lừa như vậy. Thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam.

Nhiều đối tượng đã lập các website và đẩy mạnh xuất hiện trên thanh tìm kiếm google. Các website này rao bán vé với giá rẻ hơn hẳn so với giá vé máy bay chính hãng. Người mua vẫn vào đặt vé, sau đó chuyển khoản thanh toán hoặc vé giao đến tận nơi rồi thanh toán tại chỗ.

Chiêu trò nhắn tin trên mạng Facebook

Theo Pháp luật TPHCM, mặc dù cơ quan chức năng luôn cảnh báo nhưng thời gian qua vẫn có nhiều người bị lừa chuyển tiền sau khi làm quen qua Facebook, Zalo, Viber… Mới đây, chị Lê Hoàng Y (Bình Tân- TP.HCM) là một trong những người như thế.

Chị Y. kết bạn với một tài khoản Facebook có tên Johnson C và người này giới thiệu là đang ở nước ngoài. Sau nhiều lần trò chuyện, người này cho biết đang làm ở lĩnh vực dầu khí. Hai người hẹn hò và người này thông báo ngày mình xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mong chị Yến ra sân bay đón.

Đến ngày hẹn, Johnson C nhắn qua Facebook cho chị, thông báo là đang bị công an sân bay bắt giữ, nhờ chị Yến chuyển 111 triệu đồng vào một tài khoản để “trao đổi với công an”. Tuy nhiên, những tin nhắn mà Johnson C gửi cho chị có cấu trúc câu được dịch từ Internet cùng với sự cảnh giác, chị nhận ra mình đang bị lừa nên ngưng nói chuyện.

Hiện kẻ lừa đảo còn lấy thông tin thẻ ngân hàng cùng thông tin cá nhân của chủ thẻ để làm chuyện mờ ám, mua hàng qua mạng bằng thẻ của nạn nhân.

Lừa ngoạn mục trên Zalo

những trò lừa đảo cuối năm

Một thông báo lừa đảo do khách hàng chụp lại (Ảnh internet)

chị Trần Huệ L (Bình Chánh- TP.HCM) nhận tin thông báo trúng thưởng từ tài khoản có biểu tượng Zalo. Tin nhắn ghi rõ chị là người may mắn trúng giải nhất “Quà tặng vàng - Tháng tri ân khách hàng” quý IV-2016 từ hệ thống zaloap.

Kẻ lừa gửi cho chị mã số trúng thưởng với trị giá hàng trăm triệu đồng và hướng dẫn chị truy cập đường link để nhận thưởng. Đồng thơi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, ngày cấp số tài khoản ATM, số dư tài khoản.

“Tôi kịp ngưng thì hôm sau khoản Zalo của tôi lại thành nơi phát tán tin nhắn trúng thưởng cho kẻ lừa vì dính virus”- Chị L cho hay.

Khương Duy (t/h)
Theo Đời sống Plus