Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:56
RSS

Cuộc đời truân chuyên của Nam Phương Hoàng Hậu

Thứ năm, 14/05/2020, 10:07 (GMT+7)

Nam Phương Hoàng hậu là vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Cuộc đời bà danh vọng lẫn quyền lực cuối cùng lại chịu đau khổ và cô đơn vào phút cuối đời.

Cuộc đời lắm chuân chuyên của bà Nam Phương Hoàng Hậu
Cuộc đời lắm chuân chuyên của bà Nam Phương Hoàng Hậu. Ảnh Bảo tàng lịch sử. 

MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" vừa ra mắt của Hòa Minzy đã khiến cộng đồng mạng quan tâm về mối tình truân chuyên giữa vị hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam Bà Nam Phương Hoàng hậu và vị vua Bảo Đại vào giữa thế kỉ 20. Nhiều người thương thầm cho số phận một vị Hoàng hậu giàu có, quyền lực, học thức nhưng cuộc đời sống cô đơn, lạnh lẽo vào phút cuối đời. 

Cuộc đời thăng trầm của Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam đã được tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tái hiện trọn vẹn trong cuốn sách “Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng” 

Trước khi trở thành Hoàng hậu Nam Phương, Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái thứ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Bà còn có tên theo Pháp tịch là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. Không chỉ thông minh, Thị Lan cùng người chị gái có vóc dáng cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường. 

Sinh ra trong một gia đình giàu có, cuộc sống của thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan cùng người chị gái diễn ra trong sự sung sướng và đủ đầy. Họ cùng trải qua thời thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này trở thành hoàng hậu.

Thay vì ở quê nhà Gò Công, hai chị em đến ở trong căn nhà của gia đình tại Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Du để đi học. Sau thời gian học tập trong nước, năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux tại Paris - một trường do các nữ tu dòng Đức Bà.

Chuyện kể rằng, hơn một năm sau khi về nước, với sự bố trí của Toàn quyền Pháp Pasquier và Đốc lý Đà Lạt, Nguyễn Hữu Thị Lan gặp Vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Cuộc gặp với Nguyễn Hữu Thị Lan đã để lại cho Bảo Đại một ấn tượng rất sâu sắc. 

Sau này Bảo Đại đã nhớ lại: Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê. Tuy nhiên, vì Nguyễn Hữu Thị Lan theo Công giáo nên cuộc hôn nhân đã gặp nhiều phản đối của Hoàng tộc Triều Nguyễn. Hơn nữa, khi Vua Bảo Đại ngỏ ý lấy Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, Bà đã đưa ra bốn điều kiện sau:

1.Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung sau ngày cưới;

2.Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo;

3.Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo;

4.Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Vua Bảo Đại nói: Trẫm cưới vợ cho Trẫm chứ không phải cưới vợ cho Triều đình nên hôn lễ đã được tổ chức tại Huế ngày 20 tháng 3 năm 1934, khi đó Vua Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi... Hơn nữa, ngay sau ngày cưới Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu rất trọng thể tại điện Dưỡng Tâm với tước vị Nam Phương Hoàng hậu. 

Đây là một biệt lệ (vì 12 đời Tiên đế nhà Nguyễn trước các bà Chánh cung chỉ được phong tước Hoàng Quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu). Bảo Đại đã chọn tên trị vì cho Hoàng hậu và còn giải thích thêm về tên Hoàng hậu Nam Phương nghĩa là hương thơm của miền Nam. Vua còn ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà Nam Phương được phục sức màu vàng là màu chỉ dành riêng cho Hoàng đế.

Nói về cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan, Đổng lý ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại Phạm Khắc Hòe trong cuốn hồi ký “Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc” đã viết rằng: Cuộc kết hôn này lý trí nặng hơn tình cảm. 

“Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài, hai người đều mạnh khỏe, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình tâm tư thì hầu như trái ngược nhau. Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. 

Trái lại Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi, thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị… Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu Nam Phương nắm giữ. 

Sau này có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không có đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp… Bà trả lời “Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được”.

Thời gian làm Hoàng hậu của bà Nam Phương chỉ kéo dài hơn 10 năm, kể từ năm 1934 đến năm 1945 khi Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị do cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trong tuyên bố thoái vị, Vua Bảo Đại nói: Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ. Đây cũng là dấu mốc chấm dứt tham vọng chính trị của Nam Phương và bà phải sống một cuộc đời xa xứ, cô đơn lạnh lẽo cho đến cuối đời.

Từ năm 1949 khi Bảo Đại về Việt Nam ngồi ghế “Quốc trưởng”, bà Nam Phương một mình vẫn ở lại Pháp, thỉnh thoảng Bảo Đại về thăm. Tuy nhiên, từ sau năm 1955, khi các con của họ đã lớn, mỗi người đi làm một nơi thì bà Nam Phương rời lâu đài ở Cannes trở về sống trong một lâu đài ở Chabrignac, thuộc tỉnh Correze, cách Paris khoảng 500 km. 

Có lần Bà ngỏ ý muốn trở về Việt Nam để được chết và an táng bên cạnh hai mộ thân sinh và thân mẫu ở Đà Lạt nhưng Bảo Đại và các con của Bà phản đối.

Buồn nản vì tình cảnh của mình, bà Nam Phương sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Cựu Hoàng đế Bảo Đại về thăm Bà được mấy lần. Thỉnh thoảng Bà mới về thăm Paris vài ngày, trong khi các con của Bà chỉ có dịp hè mới về thăm mẹ. Bà bị bệnh tim nặng. Và vào ngày 14 tháng 9 năm 1963, Bà bị cảm lạnh, sốt cao, khó thở, bác sỹ không đến kịp nên Bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều, khi vừa tròn 49 tuổi. Lúc lâm chung, các con thì ở xa, Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp, bên cạnh bà Nam Phương chỉ có hai người giúp việc.

Khi được tin vợ tạ thế, Bảo Đại đã trở về ngay và đã mua một chiếc quan tài bằng gỗ sồi, loại gỗ quý gia nhất của người Pháp để an táng cho Bà. Đám tang bà Nam Phương được tổ chức theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản, chỉ có các hoàng tử, công chúa và một ít bạn bè thân thiết, trong đó có Công chúa Như Lý, con gái Vua Hàm Nghi sống ở Pháp lúc đó đến dự. Linh cữu Hoàng hậu Nam Phương được an táng tại nghĩa trang Công giáo ở Chabrignac.

Ngày nay, khi đến thăm các dinh của Bảo Đại, chúng ta thường thấy hình ảnh của bà Nam Phương Hoàng hậu. Nhìn hình ảnh Bà chúng ta nhớ về số phận một con người đã thật sự hạnh phúc và sung sướng cả về vật chất cũng như danh vọng lúc còn trẻ, nhưng cuối đời lại ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở tuổi còn khá trẻ. Tuy nhiên với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình,

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN