Thứ tư, 24/04/2024 | 17:38
RSS

Công ty FDI can thiệp giá lợn nhằm triệt hạ các hộ chăn nuôi nhỏ?

Thứ tư, 30/05/2018, 11:50 (GMT+7)

Trong khi, giá lợn hơi tại các nước láng giềng nhất là Trung Quốc thậm chí còn đang rẻ hơn giá lợn trong nước, thì giá lợn hơi trong nước lại liên tục tăng, vượt mốc 50.000 đồng/kg. Mặt khác, hiện trong nước cũng không xảy ra dịch bệnh, phải chăng đang có một bàn tay vô hình can thiệp vào đợt tăng giá lợn lần này.

Theo phân tích của một Giám đốc công ty chăn nuôi trong nước: Diễn biến giá lợn cho thấy, từ ngày 10.04.2018 đến 19.05.2018, giá heo (lợn) đã tăng từ 29.000 đồng /kg lên 47.000 đồng/kg, tức, tăng hơn 150%. Còn hiện tại là quanh ngưỡng 50.000 đồng/kg.

 Công ty FDI can thiệp giá lợn nhằm triệt hạ các hộ chăn nuôi nhỏ
Đang dấy lên nghi ngờ, công ty FDI C.P có dính dáng đến đợt tăng giá lợn lần này.

CÓ BÀN TAY CAN THIỆP NHẰM TRIỆT HẠ CÁC HỘ CHĂN NUÔI NHỎ, LẺ?

Việc tăng giá lợn nhanh như trên, theo vị giám đốc này, có 2 nguyên nhân có thể tác động được: Thứ nhất, do dịch bệnh, dân tới nguồn cung giảm đột ngột và Giá tăng mạnh. Nguyên nhân này hiện không tồn tại, do tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt, không xuất hiện các ổ dịch lớn.

Nguyên nhân thứ hai là, tổng đàn giảm mạnh dẫn đến nguồn cung giảm mạnh và giá tăng. Nguyên nhân này chỉ đúng một phần. Theo phân tích của Trung tâm Thống kê- tin học (Bộ NNPTNT): Giá lợn hơi nhích lên từ đầu tháng 4 nhưng trong tháng 5 bất ngờ tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại, giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đã tăng trên mức 40.000 đồng/kg, có những nơi đạt gần 50.000 đồng/kg. Giá lợn tăng một phần là do nguồn cung giảm trong thời gian qua.

Cũng theo số liệu được đưa ra, ước tính số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017. Như vậy, con số giảm này không phải quá cao dẫn đến tổng đàn giảm đột ngột và tăng giá. Trả lời Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết: Tổng đàn lợn nái hiện chỉ giảm từ 4,3 xuống còn 3,9 triệu con và hầu hết chỉ giảm trong dân, còn các công ty lớn vẫn duy trì đàn nái bình thường do họ trường vốn.

Công ty FDI can thiệp giá lợn nhằm triệt hạ các hộ chăn nuôi nhỏ
Diễn biến giá lợn tăng liên tục từ đầu tháng 4 đến nay.

Vậy đâu là nguyên nhân giá heo tăng đột biến như vậy?. Theo phân tích của vị giám đốc này. nguyên nhân tăng giá lần này là có sự can thiệp vào giá làm phá vỡ quy luật cung- cầu. Theo đó, các công ty FDI (trong đó có C.P) chọn thời điểm đáy của giá, tiếp tục bán heo với giá thấp trong khoảng thời gian từ 2-4 tháng để triệt hạ những hộ chăn nuôi vừa và nhỏ còn lại trên thị trường. Sau 2-4 tháng khống chế giá thị trường, xác định thời cơ đã đến, công ty này bắt đầu tăng giá liên tục, đó là lý do giá heo tăng đột biến.

"Con heo khác với rau củ quả, rau củ quả chỉ cần một trận bão lụt là mất trắng và giá sẽ tăng đột biến. Còn con heo không dich bệnh, chỉ giá rẻ, người chăn nuôi giảm từ từ và cung cũng giảm từ từ. Đúng quy luật phải là như vậy"- ông này phân tích.

NGHI VẤN CÔNG TY C.P THAO TÚNG ĐỢT TĂNG GIÁ LỢN?

Trước đó, Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về đợt tăng giá lợn lần này.

Ông có thể cho biết, vì sao giá lợn lại liên tục tăng trong thời gian ngắn và ở mức cao như hiện nay?

-Có thể thấy, đây là kết quả của quá trình điều hành giảm cung- tăng cầu mà ngành chăn nuôi đã thực hiện từ 15 tháng qua và đến tháng 4 vừa rồi, đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đó là việc chúng tôi chủ trương giảm đàn nái xuống, từ 4,3 triệu con còn 3,9 triệu con như hiện nay. Đây là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện dân cũng không còn nhiều lợn, nên có vẻ như chỉ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI như công ty C.P được hưởng lợi?

-Đúng là trong việc giảm đàn nái vừa quá, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới trụ được, còn các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ không thể trụ được. Vì thế, đợt tăng giá này, nông dân là người chịu thiệt, còn các công ty lớn thì họ trường vốn, trụ được nên họ có lời hơn, các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài cũng thì càng được hưởng lợi lớn hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đợt tăng giá này là do C.P thao túng giá nhằm đẩy lợn con ra ngoài thị trường để hưởng lợi. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

-Tôi phải khẳng định, C.P không thể thao túng giá, thậm chí chúng tôi còn đang yêu cầu các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, C.P phải neo giá lợn xuống, trong đó C.P đang làm rất tốt điều này. Thực tế, theo tính toán của chúng tôi, nên duy trì giá lợn ở khung giá 40.000-45.000 đồng/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững, bởi nếu để giá tăng quá cao sẽ dẫn đến 2 nguy cơ: Phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng, trong khi nếu duy trì giá 40.000-45.000 đồng/kg, thì họ vẫn chấp nhận được do hơn 1 năm qua đã được ăn thịt lợn giá rẻ rồi.

Công ty FDI can thiệp giá lợn nhằm triệt hạ các hộ chăn nuôi nhỏ
Dù giá lợn tăng, nhưng hầu hết các hộ chăn nuôi đã không còn lợn. Đối tượng được hưởng lợi lớn nhất đợt này là những công ty lớn, đặc biệt là C.P.

Như ông nói, C.P đang làm rất tốt việc neo giá. Vậy ông có nắm được giá lợn hơi họ xuất ra hiện nay là bao nhiêu?         

 -Theo thông tin chúng tôi nắm được, giá lợn hơi của C.P xuất ra luôn thấp hơn thị trường 1 giá, hiện là 46.000 đồng/kg, chính vì thế nhiều thương lái đã mua lợn của C.P rồi bán ngay ra thị trường với giá 49.000 đồng/kg.

Việc giảm giá này của họ chúng tôi cũng chỉ khuyên, chứ không thể bắt buộc được.


Xem thêm: VFF ra án phạt vụ xe cứu thương CLB HAGL 'bỏ rơi' cầu thủ

Lê Hân
Theo Dân Việt