Có hay không việc thông cung giữa các bị can? - đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra sau nhiều ngày theo dõi phiên tòa của TAND TP.HCM xét xử Trương Hồ Phương Nga (từng đoạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga) và Nguyễn Đức Thùy Dung.
Theo cáo trạng, hai bị cáo Nga và Dung bị truy tố vì lừa đảo 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ qua việc mua giùm nhà giá rẻ.
Nhiều tình tiết bất ngờ cần làm rõ
Trong phần xét hỏi, luật sư bào chữa của bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã trình cho hội đồng xét xử 2 bút lục do cùng một điều tra viên ghi lời khai của người tố cáo (ông Mỹ) và người bị tố cáo (Phương Nga).
Hai lời khai này do 2 người khai ở thời điểm khác nhau: Mỹ khai ngày 9-9-2014 (sau hơn 1 tháng nộp đơn tố cáo cho công an), còn Nga khai ngày 29-9-2014. Dù vậy, hai bản khai này lại giống nhau từ câu hỏi đến câu trả lời (chỉ khác nhau ở đại từ nhân xưng).
Thêm vào đó, tại bản khai của Phương Nga còn có chỗ đại từ nhân xưng ghi “tôi (Mỹ)”.
Các bản khai được công bố công khai tại phiên tòa đã gây chú ý của các chuyên gia pháp luật những người công tác trong ngành tố tụng.
Nhiều nghi vấn đặt ra việc sao chép lời khai của người tố cáo (ông Mỹ) để gán cho lời khai thừa nhận hành vi của người bị tố cáo (Phương Nga). Điều này có dấu hiệu vi phạm tố tụng trong hoạt động điều tra. Giai đoạn này, vụ án vẫn chưa được khởi tố.
Không chỉ hai bản khai "sinh đôi" trên, trong phiên thẩm vấn ngày 26 và 27-6, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của Thùy Dung, biết quá trình làm giả giấy tờ mua nhà cho Nga) đã khai trong khi Dung bị tạm giam, Nghĩa bị công an triệu tập lên lấy lời khai thì hai người đã nhiều lần viết thư cho nhau.
Những bức thư của Dung được viết trên bao nilông, với sự giúp đỡ của cán bộ điều tra mà thư này đã được chuyển ra ngoài cho Nghĩa để Nghĩa và Dung biết người kia đã khai những gì về các khoản tiền ông Mỹ chuyển cho Nga cũng như mối quan hệ tình cảm của ông Mỹ và hoa hậu.
Về việc có những thư này, Nghĩa trình bày tại tòa rằng sau khi Dung bị bắt thì bà Nguyễn Mai Phương (cũng được tòa xác định là nhân chứng trong vụ án này) nhiều lần gặp Nghĩa dặn dò, động viên để Dung không khai ra chuyện tình cảm của Nga và Mỹ.
Với sự giới thiệu và giúp đỡ của Mai Phương, Nghĩa đã gặp được cán bộ trại giam và gửi thư qua lại cho Dung. Tổng cộng, có hơn 10 lá thư đã được Dung viết từ trại giam và gửi ra ngoài cho Nghĩa.
Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa cũng đã giao nộp 5 bức thư mình còn lưu giữ cho tòa.
Lữ Minh Nghĩa trao 5 bức thư cho HĐXX - Ảnh: Hữu Khoa
Dung cũng khai, khi bị tạm giam Dung ở cùng phòng với nhiều bị can khác, trong đó có những người trực tiếp đọc được thư của Nghĩa, hoặc cũng có bị can giúp Dung viết thư.
Trong thư Dung viết có nhiều nội dung, nhưng trong đó có một nội dung mà lá thư nào Dung cũng đề cập đến đó là thực tế giữa Nga và Mỹ có quan hệ tình cảm với nhau, vậy sao trong vụ án này lại không đề cập tới.
Trong những thư Nghĩa từ bên ngoài gửi cho Dung thì đều khuyên Dung cố gắng giữ sức khỏe đừng khai về quan hệ Nga - Mỹ, còn lại có gì thì khai nấy.
Cán bộ N. là ai?
Tại phiên tòa, cả Nghĩa và Dung đều khai về việc có một cán bộ công an tên là N. đã chuyển thư giúp Dung và Nghĩa. Sở dĩ Nghĩa biết người này là công an (dù người này mặc thường phục trong mỗi lần gặp Nghĩa) là bởi Mai Phương nói đó là công an.
Nghĩa cũng tin đây là công an bởi nhận được thư của Dung từ trong trại giam đưa ra. Trong lời khai của Dung cũng thể hiện, cán bộ trong trại tạm giam tên N. đưa thư của Nghĩa vào cho Dung, sau khi Dung đọc xong thì xé đi rồi vị cán bộ này mang đi vứt bỏ giúp.
Sau đó, Dung bị chuyển sang trại tạm giam khác, việc viết thư cho nhau đến đây chấm dứt.
Thành viên hội đồng xét xử xem bức thư viết trên giấy nilông mà Lữ Minh Nghĩa trình cho tòa - Ảnh: Hữu Khoa
Vậy, vị cán bộ tên N. kia là ai? Có vai trò như thế nào trong vụ án này? Tại sao lại liên tục đưa thư giúp Dung và Nghĩa?
Thông cung hay không?
Nếu việc đưa thư ra ngoài để hai bên trao đổi mà có sự bàn bạc trao đổi thì sự thật vụ án có thể vẫn chưa được tiếp cận. Nếu thực sự có việc nhận thư và gửi thư từ trại tạm giam ra ngoài, thì cán bộ trại giam đã vi phạm quy định pháp luật về tạm giữ tạm giam.
Còn đối với việc 2 bản khai giống nhau, một kiểm sát viên cao cấp của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng nếu có dấu hiệu của việc sao chép bản khai thì đây chính là dấu hiệu của việc thông cung.
Dù sự thật có giống nhau đến bao nhiêu thì mỗi người có một cách trình bày, chưa kể, bị cáo Phương Nga nói rằng toàn bộ vụ án này là đều do bàn tay một người đạo diễn chính là Nguyễn Mai Phương.
Dù tại tòa bà Nguyễn Mai Phương phủ nhận điều này, nhưng với bản khai “sinh đôi” được các luật sư đưa ra cũng cần phải xem xét lại quá trình lấy lời khai này có đúng thủ tục không, lý do tại sao lại có sự nhầm lẫn ở đại từ nhân xưng “tôi (Mỹ)” trong bản khai của Nga?
Đối với các vấn đề nêu trên, liệu có xảy ra việc “thông cung” trong vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Đây là câu hỏi cần phải được hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng làm rõ.