Theo Lao Động, hiện nay, các cung đường đèo dốc nguy hiểm luôn ẩn chứa các điểm đen TNGT, ngành GTVT đã triển khai nhiều phương án lắp đặt các thiết bị để nhằm giảm thiểu thấp nhất TNGT. Quốc lộ 6 qua Hoà Bình là cung đường huyết mạch nối liền Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Do điều kiện địa hình hiểm trở, cung đường hay xảy ra TNGT và Dốc Cun cũng là 1 trong 10 điểm đen về TNGT tại cung đường này.
Theo Phòng CSGT Hoà Bình, từ tháng 1/2018-5/2018, toàn tỉnh để xảy ra 16 vụ TNGT nghiêm trọng thì Dốc Cun có 4 vụ. Do đó, ngày 24/8/2018, Bộ GTVT có công văn số 9465 giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh và các đơn vị có liên quan để lựa chọn vị trí phù hợp trên một số quốc lộ để triển khai công tác lắp đặt thử nghiệm “lắp đặt thử nghiệm hệ thống rào chắn bánh xoay ETI Hàn Quốc”.
Dốc Cun – QL6 – Hòa Bình dài hơn 7km, có nhiều khúc che khuất tầm nhìn, thường xuyên có sương mù, mặt đường quanh co liên tục, bán kính đường con nhỏ. Km 79+400 được xem là điểm đen có nhiều TNGT.
Công trình có chiều dài khoảng 150 m với trị giá hơn 2 tỷ đồng, lần đầu tiên được thử nghiệm tại Việt Nam. Toàn bộ hệ thống bánh xoay bằng nhựa dẻo được nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Không giống như hộ lan can thép hay hàng rào Bê tông, hệ thống hàng rào ETI có chức năng xoay và hấp thụ sốc khi xe đâm vào, chuyển đổi động năng đâm trực diện thành động năng moment quay. Sau cú va chạm, rào chắn sẽ giúp điều hướng cho chiếc xe quay trở lại mặt đường, chống lật xe.
Cận cảnh hệ thống ETI. Ảnh: Lao Động
Hệ thống cọc giữ bánh xoay được chôn sâu xuống nền đường để giảm hư hỏng khi có xe va chạm, đảm bảo cho rào chắn có độ bền tới 70 năm.
Trước khi thử nghiệm hàng rào bánh xoay, các đèo dốc tại quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình từng được lắp đặt hộ lan bằng lốp ôtô tái chế để giảm sát thương khi va chạm.