Bà Thơ chia sẻ với PV
Đỡ hàng xóm ngã, vợ chạy ra đánh ghen
Tối tăm, ẩm thấp, thậm chí bốc mùi là thực trạng đang tồn tại ở Khu tập thể thuốc lá Thăng Long. Được xây dựng từ năm 1960, khu nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng và đang trong diện được Hà Nội cải tạo sắp tới. Khi nghe được thông tin này, khắp các tầng người dân bàn tán xôn xao, ai cũng mong nhà đầu tư, chính quyền sớm đến họp bàn cùng dân về phương án triển khai.
Hiện tại, ở khu tập thể này, mỗi căn hộ có diện tích 16m², điều đặc biệt là những căn hộ này sở hữu cho mình 'hai không' đó là không bếp và không nhà vệ sinh, nhà vệ sinh được xây riêng, tách biệt. Tại đây, được chia là 3 khu, mỗi khu được xây dựng 3- 4 tầng và mỗi tầng có gần 40 hộ gia đình sinh sống. Nếu tính trung bình mỗi nhà có 3 - 4 người thì một tầng gần 150 nhân khẩu, trong khi, mỗi tầng chỉ có 2 khu vệ sinh, một nam, một nữ (mỗi bên có 5 nhà vệ sinh).
Dù chật chội, thiếu thốn nhưng suốt mấy chục năm gắn bó ở khu tập thể này, họ đã trả qua bao kỷ niệm vui buồn. Bà Nguyễn Thị Thơ (63 tuổi, ở phòng 309) chia sẻ, vài năm trở lại đây các hộ gia đình chỉ phải đi vệ sinh chung còn nước sinh hoạt đã được dẫn về từng phòng nên đã bớt đi những rắc rối.
Bình đựng nước được kéo về các hộ dân
Bà bảo trước đây khi nước chưa dẫn về từng phòng, hàng ngày mọi người dậy từ tờ mờ sáng để xếp hàng xách nước và chờ đi vệ sinh. Tương tự, đến chiều cảnh lấy nước, chờ tắm cũng diễn ra như vậy. Nhất là vào các buổi tối khi mọi người đông đủ ở nhà. Đứng lên chạm mặt nhau, ngồi xuống cũng khó tránh khỏi. không gian riêng tư của các cặp vợ chồng thì được bố trí che chắn bằng những bức rèm, nhà nào khá hơn thì dựng cái gác xép. Đồ đạc tứ tung, chật chội. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng cả hàng lang để làm bếp, những dây điện trước cửa nhà làm dây phơi quần áo.
Có lẽ vì cảnh sinh hoạt chung đó mà có nhiều câu chuyện bi hài xảy ra tại khu tập thể này. Bà Thơ nhớ lại vụ đánh ghen từng xảy ra ở đây. Hồi đó, cùng tầng với bà có một cô gái thích ăn mặc hở hang, mỗi khi đi tắm hay giặt, cô gái thường mặc áo hai dây, quần ngắn, vì thế cánh đàn ông ở cùng tầng luôn mắt tròn mắt dẹt ngắm nghía.
Chẳng may, một lần cô gái vừa đi từ nhà tắm ra thì bị trượt chân ngã, người đàn ông đi sau thấy vậy liền chạy lại đỡ và hỏi han. Đúng lúc này, vợ người đàn ông từ trong nhà đi ra thấy cảnh đó nên đã nổi cơn ghen tuông ầm ĩ, hàng xóm phải thanh minh giúp mới êm.
Mấy năm gần đây các hộ dân đã có đường nước sinh hoạt riêng
Bà Thơ cho hay, khu tập thể này, mọi mâu thuẫn đều bắt nguồn từ việc đi vệ sinh hay tắm giặt ở khu sinh hoạt chung. Có người không hứng được nước cũng chửi, người chưa đến lượt tắm cũng mắng dẫn đến cãi cọ nhau là khó tránh khỏi. Vì không muốn xảy ra những rắc rối, bà thường tắm giặt tại nhà máy trước khi về nhà.
Người lớn cũng đi vệ sinh bằng bô
"Khi nghe tin cải tạo lại khu tập thể cũ, mọi người mấy hôm nay cũng bàn tán. Tôi cũng chỉ mới nghe thôi chứ chưa nhận được văn bản chính thống nào, nhưng như vậy là vui rồi. Chúng tôi mong ngày này lắm, mong mình sẽ có một nhà vệ sinh riêng, đấy là không gian tự do, không phải chung đụng, phức tạp", bà Thơ nói.
Còn bà Vũ Thị Quả (68 tuổi), người sống ở khu tập thể này gần 50 năm cho hay, ngoài xã hội có thay đổi nhưng nơi bà đang sống không thay đổi, đó là việc đi vệ sinh chung. Vì lý do này mà nhiều gia đình đã phải cho người khác thuê nhà hoặc bán lại để chuyển đi nơi ở mới.
Theo bà Quả, không ăn, không tắm có thể nhịn được nhưng đi vệ sinh mà nhịn thì khác nào tra tấn. Ở khu tập thể này những ngày kín chỗ chỉ biết ôm bụng mà chờ đợi.
Tuy nhiên, nhà vệ sinh họ vẫn phải sử dụng chung
Tầng 1 còn đỡ vì họ có không gian lấn chiếm nên xây được nhà vệ sinh riêng, chứ 2 tầng trên dùng nhà vệ sinh công cộng. Chất thải của tất cả các hộ gia đình đều tập trung lại trong 1 bể phốt. Nhiều lần bể phốt bị quá tải, tắc nghẽn, tràn ngược lên khiến nước bẩn lênh láng. Nhất là những hộ cạnh nhà vệ sinh thì rất ô nhiễm.
"Đám cưới con tôi cũng phải đi thuê mượn nhà, mong nhà nước sớm cải tạo khu này để đến cuối đời tôi còn được ở nhà mới, có nhà vệ sinh riêng", bà Quả nói.
Sống gần hết đời người ở khu tập thể này, ông Thành cũng chứng kiến không ít chuyện bi hài, nhiều lúc muốn chuyển đi nhưng với đồng lương hưu công nhân ít ỏi, ông chẳng biết phải đi đâu nên đành chấp nhận.
"Tôi sống ở đây được 53 năm rồi, chỗ tôi ở cách xa khu vệ sinh, khi ra đến nơi thì mọi người đã xếp hàng dài rồi. Nhiều khi bí quá lại quay về đi vào xô, vào chậu rồi đi đổ sau. Đấy chúng tôi người lớn mà vẫn phải dùng bô như đứa trẻ. Tôi cũng chỉ mong sẽ được về ở nhà mới trước khi nhắm mắt", ông Thành bày tỏ.
Hơn ai hết không chỉ bà Thơ, bà Quả hay ông Thành mà rất nhiều những hộ dân sống tại khu tập thể thuốc lá Thăng Long mong mỏi nơi này sẽ được gặp chủ đầu tư sớm để có phương án cải tạo cụ thể và họ sẽ được hưởng trọn vẹn một căn hộ tiện nghi đầy đủ hơn, không phải sống trong cảnh xếp hàng đi vệ sinh mỗi ngày.