Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:24
RSS

Chuyên gia chỉ cách phòng lây nhiễm Covid-19 cho trẻ mầm non khi trở lại trường

Chủ nhật, 10/04/2022, 09:17 (GMT+7)

Sau đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Hà Nội sẽ mở cửa trường mầm non, đón gần 600.000 trẻ đi học trực tiếp. Điều này khiến không ít phụ huynh vui mừng xen lẫn lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 tại trường của con em mình.

Theo thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo, Hà Nội là địa phương cho trẻ mầm non nghỉ ở nhà lâu nhất. Thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với gần 600.000 trẻ theo học. Các em đã nghỉ học, ở nhà hoàn toàn kể từ tháng 4/2021.

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục nhận định, tình hình dịch bệnh tại thành phố đã chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh trong thời gian gần đây. Ngày 6/4, khi trẻ lớp 1-6 được trở lại trường, tỷ lệ đi học trực tiếp đạt 93,7%. Do đó, Sở tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh về việc cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi đi học lại và nhận kết quả 80% đồng thuận.

 Do vậy, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với Tờ trình số 917/TTr-SGDĐT ngày 8-4-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh mầm non được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13-4. Học sinh học các ngày trong tuần theo kế hoạch của cơ sở giáo dục và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Sau khi có định được công bố, trường rất nhiều phụ huynh và học sinh vui mừng sau hơn 1 năm nghỉ dịch đã được quay trở lại trường. Bên cạnh đó, cũng không ít phụ huynh lo lắng về khẳ năng bị lây nhiễm Covid-19. Hiểu được lo lắng trên các chuyên gia y tế đã nêu một số biện pháp phòng tránh cho trẻ tại trường.

Chuyên gia chỉ cách phòng lây nhiễm cho trẻ mầm non khi trở lại trường

Chuyên gia chỉ cách phòng lây nhiễm cho trẻ mầm non khi trở lại trường. Ảnh minh họa.

Chia sẻ trên Dân trí, TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, có 4 giải pháp nên áp dụng để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ mầm non khi tới trường.

Thứ nhất, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện an toàn tại trường học trước khi đón trẻ. Trường học nên được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, nhất là đồ dùng của trẻ phải khử khuẩn kỹ lưỡng.

Thứ hai, có biện pháp kiểm soát "đầu vào", tức thông tin trước với phụ huynh, những bé có triệu chứng ho, sốt,… phải chủ động cho nghỉ ở nhà.

Thứ ba, trong quá trình học tập tại trường cũng nên có sự kiểm tra, kiểm soát. Ví dụ, đo nhiệt độ cho các con 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 thì cho bé nghỉ học, không để tiếp xúc với trẻ khác.

Thứ tư, khuyến cáo phụ huynh ngay khi ở nhà cần có giải pháp bảo vệ an toàn cho con, chủ động phát hiện các triệu chứng ho, sốt, nếu có cần cho bé nghỉ ở nhà và thông báo với nhà trường.

TS Thường nhấn mạnh, ở góc độ bác sĩ nhi khoa, việc cho trẻ mầm non đi học trở lại là hết sức cần thiết. Trẻ ở nhà quá lâu có thể tăng tỷ lệ trầm cảm, stress và đi học chính là hình thức giúp bé "xả stress".

Dẫn nguồn trên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội thì cho rằng, để phòng ngừa Covid-19 cho trẻ, người lớn (gia đình, thầy cô) trước tiên cần cố gắng đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh lây mầm bệnh sang các bé. Nên hạn chế để trẻ đến những nơi đông người; khử khuẩn bề mặt, vệ sinh sạch sẽ, giữ thông thoáng khu vực ngủ nghỉ, vui chơi của bé.

Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ cách rửa tay đúng, nhắc bé rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vui chơi,… Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để bé có sức đề kháng tốt. Nếu bản thân trẻ hoặc thành viên khác trong gia đình có triệu chứng nghi nhiễm, nên cho trẻ nghỉ ở nhà.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng, tốt nhất không để các nhóm tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi một nhóm có trẻ dương tính SARS-CoV-2 sẽ dễ dàng xử lý, không ảnh hưởng tới nhóm khác. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, cơ quan y tế. Quy trình là khi có trẻ F0, gia đình cho cháu nghỉ học, báo ngay với nhà trường để theo dõi sức khỏe những cháu cùng lớp, nếu thấy xuất hiện sốt, ho, khó thở,… thì cũng cho các trẻ này nghỉ.

Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng đưa ra hướng dẫn phòng ngừa Covid-19 cho các trường với những điểm chính như sau:

•          CDC khuyến nghị đeo khẩu trang trong nhà diện rộng đối với tất cả các học sinh (từ 2 tuổi trở lên), nhân viên, giáo viên và khách tới thăm các trường K-12, bất kể trạng thái tiêm chủng.

•          Hướng dẫn mới của CDC đã giảm thời gian khuyến cáo cô lập và cách ly xuống còn năm ngày.

•          Ngoài yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà với tất cả mọi người, CDC khuyến nghị các trường duy trì khoảng cách tối thiểu 3 feet giữa các học sinh trong cùng lớp với nhau để giảm nguy cơ lây truyền. Khi không thể duy trì khoảng cách tối thiểu 3 feet, như khi các trường không thể mở cửa hoàn toàn mà vẫn duy trì khoảng cách, điều đặc biệt quan trọng là phân lớp nhiều chiến lược phòng ngừa, chẳng hạn như xét nghiệm sàng lọc.

•          Xét nghiệm sàng lọc, thông gió, rửa tay và quy ước về vệ sinh cơ quan hô hấp, ở nhà khi bị bệnh và đi xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc kết hợp với cách ly và cô lập, vệ sinh và khử trùng cũng là các lớp phòng ngừa quan trọng giúp các trường học được an toàn.

•          Các học sinh, giáo viên và nhân viên nên ở nhà khi có các dấu hiệu của bệnh lây nhiễm và được giới thiệu tới nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để xét nghiệm và chăm sóc.

Ngọc Thố
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại