Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:08
RSS

Chuyện chưa kể về mối tình của cô gái Việt từng khiến Nhật hoàng rơi nước mắt

Thứ sáu, 12/01/2018, 12:03 (GMT+7)

Hơn chục năm trước, mối tình của bà Nguyễn Thị Xuân ở Đông Anh (Hà Nội) từng gây xôn xao trên báo chí Nhật. Mối tình ấy gây xúc động cả tới cả Nhật hoàng…

LTS: Mối tình của bà Nguyễn Thị Xuân (Đông Anh, Hà Nội) với người lính Nhật từng khiến nhiều người dân Nhật rơi nước mắt, thậm chí, lay động cả tới Nhật Hoàng và Hoàng hậu.

Năm 1946, bà Xuân nên duyên với Shimizu, một người lính Nhật tham chiến ở Việt Nam và theo Việt Minh. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, bởi nhiệm vụ cách mạng nên Shimizu về nước, tạm xa vợ cùng 4 người con thơ dại.

Chiến tranh nối tiếp, hai vợ chồng chỉ tưởng là tạm xa nào ngờ đấy là cuộc chia ly đằng đẵng. Ngưu Lang- Chức Nữ mỗi năm một lần nước mắt lã chã gặp nhau một lần vào mùa ngâu nhưng bà Xuân thì cả nửa thế kỷ vẫn ôm con ngóng chồng.

Lời tỏ tình bất ngờ khiến trái tim thiếu nữ loạn nhịp

Chuyện chưa kể về mối tình của cô gái Việt từng khiến Nhật hoàng rơi nước mắt
Gia đình cụ Nguyễn Thị Xuân chụp chung ảnh trước lúc Shimizu trở về Nhật năm 1954

Ngày ấy, năm 1945, cô Nguyễn Thị Xuân còn trẻ lắm. Mười lăm tuổi, cô bán hàng ăn thuê cho một thương gia giàu có ở cổng chợ Sắt (Hải Phòng). Khách đến cửa hàng cũng toàn những người giàu có và cửa hàng lại rộn ràng hơn khi đám lính Nhật ở Lạch Tray kéo sang ăn uống mỗi buổi cuối tuần.

Trong khi đám bạn đó vừa ăn uống vừa hát hò, vừa chòng ghẹo cô bán hàng xinh đẹp thì lần nào cũng vậy, anh lính Shimizu Yoshiharu chọn cho mình một chiếc bàn ở gần cửa sổ, ngồi bần thần như đang da diết nhớ quê hương.

Shimizu không uống bia nhưng lần nào cũng gọi vài chai và cứ để nguyên đó nếu như không có ai đến để mời. Hành động lạ lùng đó cộng với vẻ lặng lẽ, thâm trầm kia đã khiến cô bán hàng xinh đẹp để ý. Nhưng tuyệt nhiên, cô không biết được rằng, đôi mắt thường dõi ra chân trời xa tít của Shimizu thỉnh thoảng cũng hướng về phía cô đắm đuối mỗi khi cô tíu tít với công việc của mình.

Những ngày cuối tuần cứ như thế trôi qua lặng lẽ, mặc cho trái tim ai đó cứ rung lên loạn nhịp mỗi khi giáp mặt nhau. Và rồi, buổi trưa, cũng một ngày cuối tuần, Shimizu ăn vận chỉnh tề từ chiếc bàn quen thuộc tiến đến bên cô bán hàng xinh đẹp thổn thức: “Xuân ơi! Em đã có người yêu chưa?”.

Đang bận, nên không để ý đến vẻ mặt nghiêm trọng của người đối diện, cô hồn nhiên trả lời: “Em chưa!”. “Tôi yêu Xuân nhé!”.

Mười lăm tuổi, chưa biết tình yêu là gì nhưng lúc đó, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, cô buột miệng đáp: “Thưa, vâng!”. Thế là từ dạo đó, chiếc bàn ở cạnh cửa sổ bỗng nhiên chẳng ai ngồi bởi Shimizu còn bận lăng xăng giúp cô bán hàng xinh đẹp mỗi khi đông khách.

Tuần nào không ra khỏi doanh trại được, Shimizu lại gửi những lời yêu thương đến cô bằng những cánh thư.

Chuyện chưa kể về mối tình của cô gái Việt từng khiến Nhật hoàng rơi nước mắt2
Cụ bà Nguyễn Thị Xuân, người nửa thế kỷ chờ chồng (ảnh Internet)

Không được sống cùng người yêu thì khác nào đã chết!

Nhật thua đồng minh, lính Nhật ở Hải Phòng nhớn nhác tháo chạy. Cuộc tình của cô bán hàng xinh đẹp với anh lính xứ hoa anh đào vừa chớm thì ngày chia xa đã sắp sửa tới gần. Có lẽ, còn quá trẻ nên cô không hề lo sợ và cũng không hề biết là mình sắp mất người yêu, chỉ mình Shimizu là như ngồi trên đống than hồng.

Một buổi, đang bán hàng thì Shimizu từ đâu xồng xộc đến, hốt hoảng nói với cô rằng: “Xuân ơi, tôi phải theo đơn vị về Nhật đây. Xa em tôi nhớ lắm, sợ lắm, tôi chẳng muốn về!”. Nói rồi, Shimizu lặng lẽ đi, chẳng kịp nghe cô nói một lời nào nữa.

Đêm ấy, đóng cửa hàng sớm, cô ngồi một mình bên chiếc bàn mà trước đây Shimizu đã ngồi. Cô khóc. Lần đầu tiên cô trong đời cô khóc. Vì yêu.

Đã quá nữa đêm, cô vẫn ngồi đó, lặng lẽ như Shimizu ngày nào. Đang đăm đắm thả hồn mình về những ngày đã mất thì ngoài cửa có tiếng gọi thì thào: “Xuân ơi! Xuân ơi! Mở cửa cho anh nào!”. Shimizu, Shimizu, đúng là Shimizu rồi. Cô choàng tỉnh và chạy ngay ra cửa. Shimizu của cô đã trở lại.

Ngồi bên nhau, Shimizu kể, biết không thể xa cô được nên lúc đơn vị nhốn nháo lên tầu, anh đã bỏ trốn. Biết  làm thế là vô cùng nguy hiểm nên anh đã kẹp hai quả lựu đạn vào nách nếu bị phát hiện thì sẽ giật chốt lựu đạn để tự sát. Bây giờ, cô Xuân vẫn còn nhớ như in lời của Shimizu: “Nếu không được sống cùng người mình yêu thì có khác gì đã chết!”.

Quay trở lại Hải Phòng, chẳng biết mai mối thế nào mà mà bỗng dưng một hôm Shimizu về khoe, anh đã được Việt Minh kết nạp vào Khu tự vệ số 7- Hải Phòng. Không muốn xa người yêu một giây một phút, cô cũng xin thôi làm cửa hàng ăn để tình nguyện vào khu, sánh vai cùng anh lo việc nước.

Tìm vợ con trong bời bời bom đạn  

Chuyện chưa kể về mối tình của cô gái Việt từng khiến Nhật hoàng rơi nước mắt3
Cụ bà Nguyễn Thị Xuân trong buổi gặp gỡ xúc động với N​hật hoàng năm 2017

Cái tên Shimizu khó gọi, cô đổi tên cho anh thành Nguyễn Văn Đức bởi ở Hải Phòng có tiệm may Đức Xuân nổi tiếng khắp vùng. Một ngày giữa tháng 5 năm 1946, đám cưới của đôi trai tài gái sắc đã được đơn vị đứng ra tổ chức lọng trọng và ngập tràn những lời hoan hỉ.

Giặc Pháp tái chiếm. Theo sự phân công của đơn vị Shimizu lên Hà Bắc để huấn luyện quân. Lúc này, đã có với nhau một mặt con, cô cũng tất tả theo chồng.

Thế là, khắp các nẻo đường từ Bắc Giang đến Lạng Sơn, nơi nào Shimizu đến thì cô cũng địu con theo và làm công tác hậu cần cho đơn vị của chồng.

Có lần quần nhau với giặc, không lo được cho vợ con, Shimizu đã nhờ đồng đội đưa cô về Nhã Nam (Bắc Giang) và dặn nếu ở đó không an toàn thì lánh sang Bố Hạ. Vài ngày nữa, khi mặt trận tạm im tiếng súng sẽ về tìm.

Đúng như lời chồng dặn, địu con về đến Nhã Nam thì quân Pháp đã tràn về, sang Bố Hạ cũng chỉ ở được vài ngày bởi gót giày quân xâm lược đã rầm rập khắp làng, hai mẹ con lại bồng bế nhau lên Kép (huyện Lạng Giang). Nhớ vợ, thương con, nên mặc cho súng đạn quân thù, một mình Shimizu phá vòng vây để về Nhã Nam, rồi sang Bố Hạ kiếm tìm.

Mất mấy ngày trời, nhờ người mách, Shimizu mới tìm thấy vợ con mình khi người đã khét lẹt mùi thuốc súng. Chính bởi vất vả, thiếu thốn nên theo bố mẹ được ít lâu, người con gái đầu lòng của họ đã qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, cô lại theo chồng sang Tân Cương (Thái Nguyên) để huấn luyện quân. Lúc này, người con thứ hai của họ đã được gần hai tuổi và cô lại bụng mang dạ chửa đứa con thứ ba nên chiến dịch ấy cô ở lại Thái Nguyên chứ không lặn lội theo chồng.

Xong chiến dịch Tây Bắc thì chiến dịch Điện Biên lại rục rịch bắt đầu và lần này thì cô dắt díu con đi bộ theo đơn vị của chồng (Đại đoàn 308) vào Thanh Hoá.

Năm 1953, Shimizu đi chiến dịch, cô ở nhà (xã Các Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tần tảo chăm con và ngóng tin thắng trận của chồng. Chiến dịch Điện Biên kết thúc thắng lợi, đầu tháng 8/1954, Shimizu lành lặn trở về và ngôi nhà nhỏ lại ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. 

(Còn nữa)

Thành An
Theo Đời sống Plus/GĐVN