Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội vừa kết thúc điều tra vụ án "Lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Cơ quan công an đã đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản (SN 1950, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội "Lừa dối khách hàng" theo khoản 2, Điều 198 (Bộ luật Hình sự năm 2015).
Các bị can gồm: Nguyễn Duy Uyển (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông), Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Mai Quang Bài, Nguyễn Văn Năm bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 (Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999).
Bình luận về tội danh mà Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, lừa dối khách hàng là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nào cũng muốn thu lợi nhuận cao từ việc kinh doanh nên dẫn tới hiện tượng lừa dối khách hàng. Theo đó, tội lừa dối khách hàng thể hiện ở hành vi gian dối trong việc mua bán nhằm thu lời bất chính gây thiệt hại cho khách hàng. Hành vi này chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ.
"Theo quy định của điều luật này, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, với tội lừa dối khách hàng, hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Anh phân tích.
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đề nghị VKSND cùng cấp truy tố về tội "Lừa dối khách hàng"
Cũng theo luật sư Anh, tội lừa dối khách hàng là hành vi tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi lừa dối khách hàng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi và mục đích nhằm thu lợi bất chính.
Theo đó, mặt khách quan của tội lừa dối khách hàng được thể hiện ở hành vi gian dối trong bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính như cân, đong, đo, đếm sai; cố ý tính tiền sai; hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt; cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp… làm cho khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế. Tội phạm được coi là hoàn thành nếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
"Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Đó có thể là người có những quyền hạn nhất định như nhân viên bán hàng, các kỹ thuật viên làm dịch vụ sửa chữa hoặc người bán hàng, kinh doanh tự do. Tội phạm được coi là hoàn thành nếu gây hậu quả thiệt hại cho khách hàng từ 5 - 50 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm", luật sư Anh chia sẻ.
Liên quan đến quyền lợi của hàng ngàn khách hàng đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm, luật sư Anh khẳng định, những người dân mua nhà của ông Thản đầu tư không bị ảnh hưởng trong quá trình đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở đối với những căn hộ mà họ đã mua. Bởi lẽ, việc cấp "sổ đỏ" hay "sổ hồng" phụ thuộc vào hồ sơ pháp lý của dự án chứ không phụ thuộc vào việc ông Lê Thanh Thản bị truy tố. Nếu hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ thì ngay cả khi ông Lê Thanh Thản không bị vướng vòng lao lý, người dân cũng không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận.
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng 1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: ....... d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |