Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:11
RSS

Chủ động ứng phó với thời tiết ‘đỏng đảnh’

Thứ tư, 21/04/2021, 16:23 (GMT+7)

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Từ nay đến ngày 30/4, vùng núi các tỉnh phía Bắc có mưa dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục tình trạng xâm nhập mặn ở Nam Bộ. Nhiệt độ tại Bắc Bộ và Nam Bộ đều tăng. Mùa mưa năm nay đã không đến sớm như kỳ vọng. Vì thế, vẫn rất cần chủ động ứng p


Dự báo những ngày tới, nhiều khu vực trong cả nước có mưa, dông tập trung vào chiếu tối và đêm, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp rìa xa phía Tây của hoàn lưu cơn bão Surigae, trong ngày hôm nay (21/4) ở vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-4 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 1.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, thời tiết tại thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ tương đối thuận lợi để người dân tham gia các hoạt động về nguồn, tri ân tiên tổ. Hôm nay, ngày 10/3 âm lịch, thời tiết tại tỉnh Phú Thọ tương đối thuận lợi để người dân tham gia các hoạt động tưởng nhớ tổ tiên khi không mưa, thời tiết dịu mát, nhiệt độ dao động 25-32 độ C. Tại Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất từ 24-26 độ C; Nhiệt độ cao nhất từ 30-33 độ C. Có mây, đêm không mưa, ngày nắng. Gió Đông Nam cấp 2-3.

Tuy nhiên, vẫn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 20 đến ngày 25/4, tại Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông, ban ngày có nơi có nắng nóng, nhất là từ ngày 23 đến ngày 25/4. Đêm  26/4, có mưa rào và rải rác có dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Thông tin về siêu bão Surigae: Chiều 20/4, bão Surigae cách đảo Luzon (Philippines) hơn 300 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7h ngày 21/4, vị trí tâm bão cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185 km/giờ), giật trên cấp 17. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km. Dự báo, bão Surigae rất ít có khả năng đi vào Biển Đông và hầu như không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam

Với khu vực Nam Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước ở thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức tương đương trung bình nhiều năm và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,4 - 0,5 m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu lên theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,4 m, tại Châu Đốc 1,5 m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,25 - 0,28 m.

Về xâm nhập mặn từ ngày 21 đến ngày 30/4, xâm nhập mặn ở các sông trong khu vực ĐBSCL có xu thế tăng dần. Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn 90 đến 100 km vào sâu nội đồng. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 45-55 km. Sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 55-60 km. Sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 45-50 km. Sông Hậu: Phạm vi xâm nhập mặn 40-45 km; Sông Cái Lớn. phạm vi xâm nhập mặn 55-60 km…

Trong đợt mặn từ ngày 25 đến ngày 30/4, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn; các địa phương chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này.

Nhận định chung tình hình xâm nhập mặn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, sang tháng 5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở đây phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), từ nay đến tháng 5 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Từ tháng 6 đến tháng 7 bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng 8 đến tháng 10. Thời gian này cũng cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển.

Theo dự báo, năm nay sẽ có từ 10 đến 13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó 5 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Năm nay, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, từ nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tại Bắc Bộ, mưa trong các tháng 5 đến tháng 8 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 8 trở đi ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 9 trở đi mưa dịch dần về phía các tỉnh miền Trung.

Về nền nhiệt, từ tháng 6 đến tháng 9, trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5 đến 1 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và miền Trung sẽ tập trung vào giai đoạn tháng 6 đến tháng 8, nhưng được dự báo sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.

T.LINH
Theo Đại Đoàn Kết