Nhiều năm gắn bó với nghĩa trang động vật, ông Sinh từng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu với vật nuôi của con người
Những câu chuyện cảm động
Như thông tin đã đăng tải trong bài viết trước, ông Nguyễn Bảo Sinh đã dùng toàn bộ diện tích hơn 700m2 đất của gia đình để thành lập một nghhĩa trang dành riêng cho vật nuôi.
Quyết định có phần quái gở của người đàn ông năm nay đã gần 75 tuổi được nhiều người dân sinh sống gần đó cho rằng là gàn dở, ngu ngốc. Thậm chí, có nhiều người còn sẵn sàng ném đá, chửi bới và gọi ông bằng những cái tên khó nghe.
“Nhiều khi ngẫm lại miệng lưỡi nhân gian, gia đình cũng khuyên tôi nên dừng công việc có phần kỳ quái này lại. Tuy nhiên, làm công việc này đã nhiều năm, chứng kiến được những câu chuyện cảm động về tình yêu thương loài vật của con người nên tôi quyết định sẽ vẫn duy trì công việc này”, ông Sinh chia sẻ.
Những người mang vật nuôi đến nghĩa trang nhờ ông Sinh an táng không phải ai cũng có điều kiện khá giả
Những người tìm đến với nghĩa trang của ông Sinh không phải ai cũng có hoàn cảnh khá giả. Đôi khi chỉ là một cô bé, cậu bé đến khóc thút thít, trên tay nâng niu thú cưng của mình vừa qua đời khiến ông không cầm lòng được.
Lẽ tất yếu, với những hoàn cảnh đó, ông Sinh đều thực hiện khâm niệm, hỏa thiêu và an táng hoàn toàn miễn phí. Và bài vị, hương án của những vật nuôi này đều được ông Sinh chăm lo chu đáo hàng ngày.
Dành gần như nửa cuộc đời để chăm sóc nơi ăn, chốn nghỉ cho linh hồn vật nuôi, ông Sinh vẫn còn nhớ như in hình ảnh một cô bé ôm một con rùa cụt chân đến xin được ông chôn cất tại nghĩa trang nhưng lại chẳng có một đồng nào để đóng phí.
Tình yêu động vật của những khách hàng khiến ông Sinh có thêm niềm tin để tiếp tục tâm nguyện của mình
“Cô bé ấy kể trong một lần đi du lịch cô bé thấy chú rùa bị một đám trẻ con đang quây vào để đánh đập. Lại gần mới biết do chú rùa này bị cụt chân, không bán được nên bị mang ra đánh đập.
Trước tình cảnh tội nghiệp của chú rùa tật nguyền, cô bé đã móc túi còn đúng 100 nghìn đồng cuối cùng đưa cho bọn trẻ để có thể đem chú rùa về”, ông Sinh nhớ lại.
Chăm sóc được vài ngày thì chú rùa tật nguyền không qua khỏi, không đành lòng, cô bé mang đến nghĩa trang nhờ ông Sinh khâm niệm và mai táng để linh hồn con vật tội nghiệp sớm được siêu thoát.
Ông sinh tâm sự: “Một cô bé có tình thương yêu đối với động vật như thế không có lý nào tôi lại ngửa tay ra để lấy tiền của cháu. Tôi lập ra nghĩa trang này cũng bởi tình yêu thương động vật nên tôi hiểu cảm giác của cô bé”.
Lại có lần, vào một buổi chiều thu, khi ông đang chăm nom cây cối trong nghĩa trang thì có một cô bé nước mắt ngắn dài bế trên tay một chú chó vừa qua đời đến nhờ ông xin hỏa táng.
Không khí thành kính, trang nghiêm trong một buổi khâm niệm vật nuôi qua đời
Hỏi ra, ông Sinh mới biết bố mẹ cô bé rất ghét động vật, đặc biệt là chó. Để có thể nuôi được chú chó cưng của mình, cô bé đã phải giấu bố mẹ, hàng ngày dành tiền ăn sáng để mua thức ăn cho chú cún.
Thế rồi trong một lần mắc bệnh, chú cún qua đời. Thấy tiếng khóc nức nở của con gái, bố mẹ cô bé chạy vào thì phát hiện ra chuyện con lén nuôi một chú cún. Thay vì đồng cảm với việc làm của con, bố mẹ cô bé yêu cầu cô phải đem ném cái xác của chú cún vừa chết vào thùng rác.
Thuyết phục bố mẹ không được, cô bé mang đến nghĩa trang của ông Sinh để nhờ ông làm hỏa táng. Khi xong xuôi mọi thủ tục, chiếc hộp chứa thi thể chú cún chuẩn bị được đưa vào lò hỏa thiêu thì bố cô bé bất ngờ xuất hiện bắt cô về nhà đồng thời lôi xác chú cún vừa mất theo.
Trên đường về nhà, cái xác của chú cún được người bố vứt xuống sông trong những tiếng than khóc, van xin của cô con gái. Sự việc khiến ông Sinh cảm kích vô cùng.
“Tôi thấy rằng có nhiều người, nhiều cô cậu bé vẫn còn rất nhỏ tuổi nhưng lại có tình yêu mến động vật còn nhiều hơn cả tôi. Đó cũng là lý do khiến tôi vững tâm gắn bó với công việc này hơn”, ông Sinh chia sẻ.
Chết là đến một nơi khác tốt đẹp hơn
Đưa ánh mắt buồn buồn nhìn quanh một lượt cái cơ ngơi khoảng khuất mà mình dành tất cả tâm huyết để bồi đắp trong suốt mấy chục năm trời, ông Sinh cất giọng nhẹ nhàng.
“Bản thân tôi theo và nghiên cứu về đạo Phật từ nhiều năm nay, nên tôi luôn quan niệm rằng bất cứ một sinh linh nào khi chết đi đều không phải là hết mà là bắt đầu ở một sự sống ở một nơi khác tốt đẹp hơn.
Cũng chính vì vậy nên khi nhiều người đưa thú cưng đến nhờ tôi an táng, chứng kiến sự đau buồn của họ, tôi đều cho họ biết ý nghĩa thực sự khi những con vật của họ chết là gì cũng như đồng cảm với nỗi mất mát của họ”.
Tro cốt của những vật nuôi đều được ông Sinh gìn giữ rất cẩn thận
Nhớ lại cái lần đang ngồi quét dọn nghĩa trang, ông Sinh thấy một cô gái dáng người gầy gò, đi một tay trên chiếc xe đạp, tay còn lại giữ một bọc gì đó. Đến khi cô gái trình bày, ông Sinh mới biết đó là thi thể một chú mèo.
Trong khi làm lễ và lúc đưa thi thể chú mèo và lò hỏa thiêu, cô gái trẻ ấy đã khóc rất nhiều. “Thấy vậy, tôi cũng khuyên cháu ấy không nên đau buồn, vạn vật đều không tránh khỏi chuyện sinh tử và khấn cho thi thể chú mèo vừa mất. Lúc đó, cháu ấy mới ngừng khóc”, ông Sinh nhớ lại.
Tuy nhiên, suốt 1 tuần sau đó, dường như vẫn còn chất chứa nhiều nỗi đau buồn khi “người bạn thân” ra đi nên ngày nào cô gái đó cũng đến trước tro cốt của chú mèo với ánh mắt buồn tủi.
Cô gái trẻ này cứ vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng lại đến thắp hương trước mộ phần vật nuôi đã qua đời của mình
Để linh hồn vật nuôi sớm được siêu thoát và đầu thai sang kiếp khác, ông Sinh đều tỉ mỉ chọn ngày giờ đẹp để tiến hành làm lễ cầu siêu hoặc khi hỏa thiêu. Những động vật sau khi chết cũng đều được ông Sinh cúng tuần rằm, mùng 1, cúng 49 ngày, 100 ngày…một cách đầy đủ như với con người.
“Đều đặn, rằm tháng 7 hàng năm, tôi đều cho tiến hành làm lễ cầu an, giải hạn mong cho tất cả vong linh vật nuôi ở nghĩa trang này sẽ phù hộ độ trì cho những người chủ của chúng”, ông Sinh nói.