Cơm trắng khô khốc nhưng những học sinh ở Ký Thì vẫn ăn ngon lành
Clip: Cay mắt với bữa ăn chỉ có cơm trắng của học sinh điểm trường Ký Thì
Ký Thì là thôn xa nhất của xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Tuy cách trung tâm xã hơn chục cây số nhưng phải vượt qua những con dốc dựng đứng. Đồng bào xuống chợ thường phải đi bộ mất vài giờ đồng hồ.
Cả thôn có 58 hộ, 375 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 hộ thuộc diện cận nghèo còn lại là nghèo xơ xác. Ba hộ may mắn thoát nghèo là nhờ được tặng bò từ một chương trình xóa đói giảm nghèo.
Điểm trường Ký Thì nằm chênh vênh trên sườn núi
Điểm trường Ký Thì nằm chênh vênh trên sườn núi. Trường có 78 học sinh, từ mẫu giáo đến lớp 4. Học sinh toàn người Mông, đến từ những đỉnh núi xa tít tắp, có nơi phải mất đến 3 giờ lội bộ xuyên rừng.
Điểm trường Ký Thì thuộc Trường tiểu học Yên Cường do thầy giáo Phạm Văn Thể làm hiệu trưởng. Thầy Thể quê ở Nam Định, lên miền đá gieo chữ đã ngót 20 năm. "Ở cao nguyên đá đồng bào gieo ngô vào hốc đá khó thế nào thì gieo chữ khó thế đó", thầy Thể mở đầu câu chuyện.
Trường dựng sơ sài nên cả cô và trò đều rất sợ những ngày đông lạnh giá
Theo thầy Thể, ở điểm trường Ký Thì, từ bậc mầm non đến tiểu học, các em trong độ tuổi đều vượt núi tới trường. Các thầy cô kéo được học sinh tới lớp một phần nhờ chính quyền thôn, bản nỗ lực vận động, phần nữa là nhờ… cái đói.
Đến trường, mỗi em được hỗ trợ hơn trăm nghìn mỗi tháng. Số tiền ít ỏi đó là "nguồn thu nhập" lớn với đồng bào ở đây. Nhờ số tiền ấy mà các em có bữa trưa ở trường được ăn cơm trắng. Còn không đi học ở nhà, những ngày giáp hạt thì hai bữa chỉ mỏi miệng nhai mèn mén.
Thậm chí, có nhà chỉ cầm cự với cái đói bằng rau rừng, củ mài, củ chuối…
Điểm trường Ký Thì có 78 học sinh. Đứa nào cũng lấm lem, còi cọc. Hôm chúng tôi đến, gần hai chục học sinh ở bản Lùng Pảng không tới lớp. Đêm trước trời mưa, đường rừng ướt nhẹp. Tới trường phải đi bộ mất chừng 3 tiếng, lại băng qua nhiều vách dốc dựng đứng nên các em nghỉ học.
Trước đây tới trường, các em cứ chân trần, manh áo phong phanh vượt núi. Và, ngoài cặp sách thì đứa lớn, đứa bé đều mang theo đùm cơm bọc vội trong túi bóng hoặc lá chuối rừng. Năm ngoái, có đoàn từ thiện tìm lên, các em được cho ủng, quần áo và mỗi em được tặng thêm được chiếc cặp lồng nhựa để đựng cơm.
Đến lớp, các em học sinh phải xách theo cặp lồng cơm
Trò chuyện với các thầy cô được ít phút thì cũng đến giờ các em học sinh chuẩn bị bữa trưa. Nói là chuẩn bị cho sang chứ cô giáo vừa cho nghỉ thì tất cả các lớp học sinh túa ra chạy sang phòng bên cạnh đem cặp lồng cơm về.
Những chiếc cặp lồng đủ màu sắc nhưng cũng đã cũ sờn, lấm lem hệt như chủ nhân của chúng. Lớp nào ăn ở lớp đó. Bạn nhỏ nào có anh, chị, em cùng xuống trường thì được đặc cách ngồi chung một bàn để tự chăm nhau.
Từng đặt chân đến các vùng đất cam khó, từng chứng kiến nhiều bữa ăn đói khổ của học sinh vùng cao nhưng chúng tôi đã vô cùng bất ngờ, đau xót trước bữa ăn của các em học sinh ở điểm trường heo hút này.
Cả mấy chục cặp lồng cơm được các em háo hức mở ra nhưng chỉ duy nhất một em có kèm theo 3 miếng thịt mỏng tanh. Tết vừa rồi nhà em mổ lợn, thịt treo gác bếp còn nên em có thứ đưa cơm. Còn lại là cơm trắng, rời rạc, khô khốc.
Học sinh ăn bữa trưa ngay tại lớp học
Nay tan học muộn, xem chừng các em bụng đã cồn cào. Bởi thế, chẳng cần ngại ngùng với người lạ, đứa nào đứa nấy cứ cắm cúi ăn. Mấy đứa phàm ăn ních vào miệng cả những thìa cơm có ngọn.
Ở những vùng đói nghèo chúng tôi từng đến, học sinh xuống trường dù thiếu thốn cũng có con cá khô, hoặc muối lạc để ăn cùng cơm cho dễ nuốt. "Ở đây những thứ đó xa xỉ lắm, đến muối trắng còn không có mà ăn", cô giáo Phạm Thị Liên, chủ nhiệm lớp 1 chia sẻ.
Cũng theo cô Liên, dù đã cả chục năm gánh chữ lên ngàn, nhưng bữa nào đứng trông các em ăn cô cũng thấy mình cay cay khóe mắt.
Nhưng tất thảy đều là cơm trắng, thậm chí độn thêm ngô
"Ăn uống thế này học chữ thế nào!?"
Cặp lồng cơm của 3 chị em Giàng Thị Hoạt, Giàng Thị Thuyền, Giàng A Tuấn lèn cơm chặt ních, xách nặng trĩu tay. Hoạt là chị cả, 9 tuổi, đang học lớp 3. Vân 5 tuổi, Tuấn 3 tuổi đều ở lớp mầm non.
Ba chị em dắt díu nhau vợt núi xuống trường từ khi trời còn mờ sáng, khi sương đêm còn sũng trên từng ngọn cỏ, nhành cây.
Đến giờ ăn, thường thì Hoạt kéo hai em ra ngồi riêng một bàn để ăn chung. Ba chị em mang có một chiếc thìa, cứ em xúc một miếng xong thì đưa thìa cho chị. Tuy nhiên, hôm nay Tuấn chẳng chịu nghe theo sự sắp đặt ấy.
Thằng bé loắt choắt kéo tay chị bắt xuống ngồi ở bàn cuối lớp, nơi ngồi của bé gái mang theo suất cơm có thịt.
Vừa trèo lên ghế, Tuấn tay xúc cơm còn mắt thì cứ đăm đắm vào mấy miếng thịt mỏng đến độ gió thổi cũng có thể vèo bay ấy. Thấy các bạn nhìn phần ăn của mình bằng ánh mắt thèm thuồng, bé gái "gia đình có điều kiện" trên đâm khó xử. Đứa nào mắt cũng hau háu thì biết san sẻ cho ai.
Mới 3 tuổi, theo chị đến lớp để học mẫu giáo, đến bữa dù ăn cơm không nhưng Tuấn xúc ăn ngon lành
Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Thể lâu nay là người nổi tiếng… hay xin. Gần 20 năm gieo chữ ở miền đá, thấy học sinh của mình quá ư đói khổ nên hễ xin ai được thứ gì để giúp các em là thầy ngửa tay chẳng ngại. Hôm ấy, nghe tin chúng tôi lên, thầy ra tận trung tâm xã đón rồi vật lộn đưa chúng tôi vào bản.
"Tôi chẳng mong gì nhiều, chỉ mong đến trường các em được ăn bữa cơm có thịt, thế thôi! Chứ các anh thấy đấy, ăn uống kiểu này thì sức đâu mà học", thầy Thể nói, mắt rơm rớm nước.
Đôi mắt trong veo bên cặp lồng cơm trắng này đã ám ảnh các thầy cô giáo
Rời Ký Thì, chúng tôi nhớ ánh mắt buồn buồn của Hoạt khi nhường phần cơm của mình cho hai em. Và chúng tôi cũng ám ảnh ánh mắt của Tuấn khi cậu nhóc tuổi mới lên ba hau háu nhìn sang phần cơm có thịt của cô bé ngồi cạnh.
Như thầy Thể, chúng tôi cũng chỉ ước mong rằng, mai đây và nhiều ngày sau nữa, bữa cơm ở trường của những mầm non ở miền đá xa xôi này có thêm miếng thịt, nhỏ thôi nhưng ấm áp tình người.
Xem thêm: Rơi nước mắt clip học sinh vùng cao ăn bốc cơm trắng và mì tôm