Chủ nhật, 08/12/2024 | 13:13
RSS

Cầu Thăng Long sẵn sàng hoạt động trở lại từ ngày 7/1/2021

Thứ ba, 05/01/2021, 16:50 (GMT+7)

Bắt đầu khởi công vào 30/7, dự án tu sửa mặt cầu Thăng Long cơ bản đã được hoàn tất. Bộ Giao thông Vận tải mới đây vừa thông báo thời điểm cho phép các phương tiện lưu thông trên cầu Thăng Long trở lại vào ngày 7/1/2021.

Được đưa vào khai thác từ tháng 5 năm 1985, cầu Thăng Long đã trải qua 2 đợt tu sửa lớn vào năm 2009 và 2013. 7 năm trôi qua, mặt cầu Thăng Long bắt đầu có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa tới an toàn của người tham gia giao thông khi lưu thông trên cầu.

Cận cảnh mặt cầu Thăng Long cơ bản đã được hoàn thiện.

Dự án tu sửa mặt cầu được khởi công từ 30/7/2020 với kinh phí 270 tỷ đồng nhằm đảm bảo mặt cầu tăng khả năng chịu lực, giảm nguy cơ biến dạng, giảm rung, thay khe co giãn đã hư hỏng, tránh những sự cố cho người tham gia giao thông.

Từ ngày 28/7, toàn bộ các phương tiện giao thông bị cấm lưu thông trên mặt cầu tầng 2 của cầu Thăng Long, tầng 1 là phần mặt cầu dành cho tàu hỏa và các phương tiện thô sơ vẫn tiếp tục được khai thác. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án tu sửa cầu Thăng Long đã đi vào giai đoạn hoàn tất những bước kiểm tra cuối cùng, chuẩn bị hoạt động trở lại với hi vọng giảm áp lực giao thông trên cầu Nhật Tân, giúp lưu thông tuyến đường Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được khánh thành trong năm 2020.

Hệ thống đèn chiếu sáng, lan can hiện đại cũng đã được thiết kế để đồng bộ với đường Vành đai 3 trên cao đã được khánh thành vừa qua.

Sau gần 5 tháng thi công, dự án tu sửa cầu Thăng Long, cây cầu Việt Nam đầu tiên sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông UHPC đã kết thúc thành công với tiến độ nhanh chóng, không xảy ra tình trạng đội vốn, thậm chí còn vượt tiến độ. Các kỹ sư, công nhân đã hoàn thành hàn gần 1,5 triệu đinh neo, thay thế và sửa chữa toàn bộ cốt thép với khối lượng 775 tấn, hoàn thành việc tháo dỡ, lắp đặt khe co giãn bị hư hỏng, đổ bê tông UHPC, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa polyme.

Trước khi cầu Thăng Long được đưa vào sử dụng, hệ thống lan can hiện cũng đang được sơn sửa lại để đảm bảo mỹ quan và được khai thác đồng bộ với tuyến đường Vành đai III, đường ô tô trên nhịp chính cầu Thăng Long cũng được hoàn thành.

Toàn tuyến của cầu Thăng Long đã sẵn sàng cho đợt chạy thử vào ngày 7/1 tới đây.

Sáng ngày 4/1/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức chốt thời điểm cầu Thăng Long tiếp tục được đưa vào khai thác là sáng ngày 7/1/2021. Các phương tiện giao thông được di chuyển trên cầu với tốc độ tối đa là 80km/h. Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng các kỹ thuật mới, hiện đại sẽ giúp cầu Thăng Long sở hữu độ bền tốt hơn 2 đợt tu sửa trước đó. Mặt cầu Thăng Long được hi vọng sẽ có thể kéo dài tuổi thọ lên tới 30 năm. Lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám dày 4cm trên bề mặt cầu có thể tồn tại và bền vững từ 5 năm đến 10 năm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang có kế hoạch phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai phương án bố trí cân tải trọng tại khu vực cầu Thăng Long nhằm kiểm soát tải trọng xe để đảm bảo kết cấu của cầu Thăng Long không bị quá tải, chịu sức nặng lớn, dẫn tới nhanh xuống cấp và gây nguy hiểm cho người dân lưu thông trên cầu.

Huy Hoàng
Theo Gia Đình & Xã Hội