Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "học hộ, thi hộ" trên Facebook, dễ dàng tìm thấy gần 40 nhóm với hàng nghìn thành viên hoạt động, trong đó nhiều nhóm có quy mô lên đến hàng trăm nghìn người. Tình trạng này đã tạo ra một thị trường ngầm, với các dịch vụ phi đạo đức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục và đạo đức sinh viên.
Một group “hỗ trợ học tập” trên facebook.
Theo thống kê của Trường Đại học Công thương TP.HCM, trong một cuộc kiểm tra vào tháng 5/2024, nhà trường đã phát hiện gần 20 sinh viên sử dụng dịch vụ học hộ, thi hộ. Điều đáng nói, con số này đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự leo thang của vấn nạn này trong các cơ sở giáo dục đại học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học hộ, thi hộ ngày càng trở nên phổ biến. Một trong số đó là do ý thức kém của một bộ phận sinh viên, cộng với việc hình phạt chưa đủ mạnh để răn đe. Một số sinh viên coi đây là cách kiếm tiền dễ dàng, trong khi những sinh viên khác lại sẵn sàng chi tiền để qua môn học mà không phải nỗ lực học tập.
Các dịch vụ học hộ, thi hộ thường được giao dịch trên các nhóm kín hoặc trang mạng xã hội. Mức giá cho dịch vụ học hộ trung bình từ 70.000 - 200.000 đồng cho mỗi buổi học. Đối với thi hộ, chi phí còn cao hơn nhiều, tùy thuộc vào độ khó của môn thi. Điều này tạo nên một thị trường ngầm, thu hút nhiều sinh viên tham gia với tâm lý kiếm tiền nhanh chóng.
Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, có phụ huynh còn đồng tình với việc con mình đi học thuê như một nghề làm thêm. Cô Đ.T.H (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) có con đang học tại Đại học Mỏ - Địa chất cho biết : “Cô thấy con cô hay kể nó đi học hộ cho các bạn ở Đại học Kinh tế Quốc dân ấy. Mỗi buổi học hộ nó kiếm được từ 100k - 150k rồi. Nó bảo đi học hộ ở đây cơ sở vật chất xịn và giảng viên dạy cũng hay nữa. Không những được tiền mà còn được cả kiến thức.”
Còn cô N.A.T (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) có con đang học tại trường Đại học thủ đô Hà Nội cho biết: “Có đợt nhà cô đi du lịch, nhà cô đã cố gắng né lịch học của con cô ra rồi. Mà sau đó, nhà trường thay đổi lại lịch học, bị trùng với lịch đi du lịch nhà cô. Bất đắc dĩ, cô đành phải bảo nó thuê người học hộ mấy hôm đấy không lại bị trừ điểm rèn luyện hoặc không đủ điều kiện thi học kỳ .”
Hệ lụy của việc học hộ, thi hộ
Hậu quả của việc học hộ, thi hộ không chỉ dừng lại ở việc vi phạm quy định của nhà trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục và giá trị đạo đức của sinh viên. Những sinh viên sử dụng dịch vụ học hộ, thi hộ sẽ không thể phát triển kỹ năng và kiến thức thực tế, gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Việc học hộ, thi hộ không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng mà còn là sự coi thường giá trị học tập chân chính. Sinh viên sẽ không có được kiến thức thực tế và khi ra trường, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu công việc."
Hệ lụy nghiêm trọng hơn, hành vi này làm suy yếu lòng tin vào hệ thống giáo dục, khi những sinh viên gian lận có thể đạt được bằng cấp và cơ hội nghề nghiệp mà lẽ ra phải thuộc về những người thực sự học tập và làm việc chăm chỉ. Từ đó, sự bất bình đẳng và bất công bằng trong giáo dục càng trở nên rõ rệt.
Căn cứ Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Điều 22 Luật Giáo dục nghiêm cấm các hành vi gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, thực tập, trực hộ người khác hoặc nhờ người khác học, thi, thực tập, trực hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hoặc các hành vi gian lận khác là một trong những hành vi học sinh sinh viên không được thực hiện.
Nếu thực hiện hành vi thi, kiểm tra hộ hoặc nhờ thi, kiểm tra hộ lần đầu có thể bị áp dụng hình thức xử lý đình chỉ học tập 1 năm học, lần 2 có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc các hình thức kỷ luật khác theo nội quy của nhà trường. Đối với hành vi tổ chức học, thi, kiểm tra hộ thì có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học hoặc tùy theo mức độ có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật
Để giải quyết tình trạng này, các trường đại học cần áp dụng giải pháp toàn diện và đồng bộ, trong đó bao gồm: Tăng cường giám sát: Các trường đại học cần đầu tư vào công nghệ giám sát hiện đại như hệ thống điểm danh điện tử, nhận diện khuôn mặt trong các kỳ thi để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm.
Các nhà trường cần tổ chức những buổi hội thảo về đạo đức học đường và trách nhiệm cá nhân, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập thực chất và hậu quả nghiêm trọng của hành vi gian lận.
Cần áp dụng các mức phạt mạnh tay hơn đối với các hành vi học hộ, thi hộ, bao gồm đình chỉ học tập và buộc thôi học. Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã quy định rõ về việc xử lý kỷ luật đối với những sinh viên vi phạm quy định về học tập và thi cử, nhưng cần được thực thi chặt chẽ hơn.
Các cơ quan chức năng cần hợp tác với nhà trường để xử lý nghiêm các tổ chức dịch vụ thi hộ và những người môi giới, đảm bảo sự răn đe và tạo ra môi trường học tập lành mạnh.
Không chỉ trong nhà trường, mà còn cần sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng để đồng lòng lên án và loại bỏ các hành vi vi phạm đạo đức này. Giáo dục đạo đức cho sinh viên cần được đẩy mạnh từ gia đình và xã hội, không chỉ giới hạn trong nhà trường.
Tình trạng học hộ, thi hộ đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Các cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao ý thức, xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm, và xây dựng một môi trường giáo dục trong sạch, nơi sinh viên được khuyến khích phát triển khả năng thực sự của mình.