Nắng nóng gay gắt, cường độ tia UV (tia tử ngoại) liên tục vượt ngưỡng an toàn là tác nhân gây hại mắt nghiêm trọng, tăng nguy cơ dẫn đến đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm - những bệnh mắt gây mù lòa hàng đầu hiện nay.
Chỉ số UV càng cao, tia UV đến được mặt đất càng nhiều thì thời gian làm tổn hại mắt càng ngắn. Theo Hội đồng Thị lực Mỹ (VCA), tia UV thường làm bỏng giác mạc sau 15 phút tiếp xúc liên tục, gây đau rát mắt hoặc các rối loạn như nhìn mờ, mất thị lực tạm thời, nhìn thấy hào quang, cảm giác như có di vật ở trước mắt, chảy nước mắt...
Bức xạ UV gây sạm da, lão hóa, bỏng nắng, ung thư da. Đây cũng là tác nhân gây hại mắt nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm - những bệnh mắt gây mù lòa hàng đầu hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, từ mức 3 trở đi, tia UV đã bắt đầu tác động xấu đến cơ thể. Khi liên tục vượt ngưỡng, tia UV dễ gây tổn thương mắt và da nếu tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên.
Tia UV trong những ngày nắng nóng cực kỳ nguy hiểm. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia cho biết, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc10-16h, do đó, bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này.
Đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím (tia UV), đặc biệt là tia UVA và UVB. Dưới đây là một số tác hại mà tia UV có thể gây ra đối với sức khỏe con người.
Để bảo vệ sức khỏe trước những tác hại của tia UV trong ngày hè, BSCKI Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da Liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng: Thứ nhất là phương pháp vật lý: đội nón rộng vành, có chiều rộng vành hơn 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng dù, đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang; khẩu trang: phủ kín mặt, chừa 2 mắt đeo kính, sử dụng màu đen, sậm (có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%), vải dầy, dệt chéo. Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, không có tác dụng chống nắng; tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát.
Biện pháp thứ hai là sử dụng kem: SPF (chống tia UVB, dấu * hoặc+ có tác dụng chống tia UVA); cần lựa chọn kem chống nắng có cả 2 đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và UVB (chỉ số SPF càng cao, bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da).
Biện pháp cuối cùng là có thể sử dụng viên chống nắng: có tác dụng từ trong người ra nên thời gian bảo vệ được lâu hơn; uống trước 30 phút đến 1 giờ, lặp lại sau mỗi 6 giờ; thường uống vào sáng, trưa; chi phí tốn kém hơn.