Việc trang trí nhà cửa từ xưa đã rất được chú trọng, từ chọn màu sơn, thiết kế cho đến bày biện nội thất. Với những nhà có sân vườn, cổng ngõ hay ban công, gia chủ còn kỳ công trồng cây cảnh hoặc giàn hoa leo. Trong số các loại cây cảnh phổ biến hiện nay, cây hoa hồng leo đặc biệt được ưa chuộng vì dễ trồng, dễ chăm sóc. Hoa hồng leo còn được gọi là tầm xuân, vừa tạo bóng mát vừa nở hoa thơm nhiều màu rực rỡ rất đẹp.
Để trồng và chăm sóc giàn hoa hồng leo thành công, cần tìm hiểu qua về đặc tính sinh trưởng của cây. Hồng leo chịu được thời tiết lạnh, ưa sáng nên thích hợp trồng ở nơi nhiều ánh nắng, thông thoáng. Sau khi trồng từ nửa năm trở lên, cây sẽ bắt đầu ra hoa vào cuối xuân, đầu hè. Loại cây này không đòi hỏi đất quá tốt hay phải chăm sóc kỳ công, nhưng sinh trưởng tốt nhất ở nơi đất kiềm. Dưới đây là các bước trồng và chăm sóc hoa hồng leo.
- Đất trồng: Tạo luống cao khoảng 30 cm, rộng khoảng 1,5 m, làm sạch cỏ dại, sỏi đá. Cày xới kỹ và bón thêm phân. Nên chọn trồng ở nơi đất cao, giàu mùn hoặc cát pha để thoát nước dễ dàng, tránh trường hợp cây bị ngập úng. Cây hoa hồng leo ưa đất kiềm, nên cần khử chua nếu đất có độ pH dưới 4,5.
- Cắt một cành hồng giống, ngâm nước từ 2 đến 3 tiếng rồi trồng ngay. Đào một hố sâu trên luống trồng, đặt cành hồng xuống và phủ kín đất quá đoạn có mầm và rễ cỡ 3 ngón tay. Bón thêm phân hữu cơ rồi nén gốc để cây không đổ. Tưới nước mỗi ngày vào lúc sáng sớm, tránh trồng hoặc tới lúc nắng gắt.
- Sau khoảng nửa tháng, cây hoa hồng leo bắt đầu phát triển nhanh, mọc thêm cành lá. Giai đoạn này, cần ngắt ngọn để dưỡng chất trong cây tập trung đi nuôi cành lá và chồi non. Ngắt ngọn liên tục trong vòng 2 tháng sau khi bắt đầu trồng. Khi cây đạt độ cao thích hợp, uốn cành xuống để kìm hãm độ cao của cây. Việc ngắt ngọn và kìm hãm độ cao của cây cũng giúp cây trổ hoa nhanh và nhiều hơn.
- Tùy vào tình trạng phát triển của cây hoa hồng leo mà lên kế hoạch cắt tỉa một số cành nhỏ, mầm phụ. Ngoài ra, cần bón phân định kỳ. Trường hợp cây ra quá nhiều cành lá, không trổ được bông phải kết hợp tỉa bớt cành, ngừng tưới, không bón đạm mà bón thúc kali. Sau khoảng 10 – 15 ngày không tưới lại chăm sóc bình thường để thúc cây ra hoa.