Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:19
RSS

Bước đầu xác định nguyên nhân học sinh hung dữ bất thường ở Bắc Kạn

Thứ ba, 19/12/2017, 07:12 (GMT+7)

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân học sinh hung dữ bất thường ở Bắc Kạn.

Bước đầu xác định nguyên nhân học sinh hung dữ bất thường ở Bắc Kạn
Bước đầu xác định nguyên nhân học sinh hung dữ bất thường ở Bắc Kạn. Trong ảnh là BS Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám cho bệnh nhi điểm trường Nà Bản. Ảnh: VTV

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, qua khám thần kinh, tâm lý, ngộ độc, tìm hiểu triệu chứng, môi trường... bước đầu đoàn công tác đã xác định được nguyên nhân khiến nhiều em bị ngất, trở nên hung dữ bất thường.

Ngày 18/12, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tới điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) kiểm tra, thăm khám cho các học sinh liên quan vụ việc nhiều học sinh tại đây có biểu hiện bất thường về tâm lý, tinh thần.

PGS.TS Trần Minh Điển thông tin, hiện các học sinh đã trở lại bình thường và không tái phát. Những học sinh này tiếp tục được theo dõi. Bên cạnh đó, đoàn công tác sẽ tiếp tục tìm hiểu, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đưa ra kết luận nguyên nhân của hiện tượng trên.

Trước đó, như Báo Gia đình & xã hội đã đưa tin, gần đây, có nhiều học sinh của điểm trường Nà Bản có biểu hiện liên tục bị ngất, trở nên hung dữ bất thường, nhiều em tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi, suy kiệt sức khỏe... khiến cho giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng.

Về biểu hiện của các học sinh này, ban đầu các em hơi mệt mỏi, sau đó chuyển sang trạng thái hung dữ, mất kiểm soát bản thân không nhận biết được bất kể ai, kể cả là người thân, thầy cô giáo. Khi thấy các em có biểu hiện lạ, các thầy cô giáo đến hỗ trợ thì các em càng trở nên hung dữ, sẵn sàng phản ứng bằng cách đánh lại, cấu xé, cắn các thầy cô giáo…

Hiện tượng ngất gây bất tỉnh tạm thời có thể diễn ra nhanh từ 3 đến 5 phút, có một số trường hợp kéo dài đến 20 phút. Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ gì.

Điểm trường Nà Bản thuộc Trường Tiểu học Xuân Lạc có 5 lớp học với 108 học sinh. Trước đây, vào năm 2015 điểm trường đã có 2 học sinh có những biểu hiện như trên, năm 2016 không có, nhưng gần đây có 9 em bị như vậy (bao gồm 5 học sinh lớp 3, 1 học sinh lớp 4, 3 học sinh lớp 5). Trong số 9 học sinh trên, có đến 8 em ở thôn Cốc Slông, 1 em ở thôn Nà Bản.

Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn thường gặp. Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm 0,3-0,5% dân số. Bệnh hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam (gấp 10 lần).

PGS.TS Trần Văn Cường - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam - cho biết: “Nguyên nhân của rối loạn phân ly là những sang chấn về tâm lý, có thể là sự căng thẳng hay buồn bực chuyện gì đó”.

Những chấn thương tâm lý này bao gồm các trạng thái cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng: run toàn thân, lắc hoặc gật đầu liên tục, khó nói, mất vị giác, thị giác, thính giác, liệt một chi hoặc cả tứ chi, rối loạn tư duy...

Các trường hợp rối loạn phân ly xảy ra đồng loạt được gọi là “rối loạn phân ly tập thể”. Khi một người trong nhóm có biểu hiện rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng “bị lan truyền”, xem như một cơ chế tự giải thoát khỏi áp lực học tập, công việc... Khi xuất hiện ca đầu tiên cần có biện pháp tạm thời cách ly người bệnh sang một môi trường khác để bệnh không lan truyền.

Biểu hiện lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống rất nhiều loại bệnh khác nhau mà lại chẳng giống bệnh nào. Trong vài năm gần đây, ở một số trường trung học phổ thông cũng xảy ra hiện tượng như vậy ở Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang...

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, cho đến nay, người ta chưa tìm thấy tổn thương nào ở não bộ là nguyên nhân gây ra bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Ngoài các yếu tố thuận lợi có thể gây ra rối loạn phân li, thì trong hội chứng phân li tập thể có thể kết hợp thêm một số yếu tố như: Một vài bệnh lí tâm thần; suy dinh dưỡng; áp lực công việc, học hành rất lớn... là điều kiện thuận lợi để hiện tượng ngất xỉu dễ xuất hiện và lây lan phát triển thành “dịch”.

T.Nguyên
Theo Gia đình & Xã hội