Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:20
RSS

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính

Thứ bảy, 17/02/2018, 09:09 (GMT+7)

Tuy vẫn giữ phong độ là chương trình dám "mở miệng" một cách toàn diện, nhưng Táo quân 2018 vẫn còn nhiều hạt sạn khiến khán giả chưa hài lòng.

Đến hẹn lại lên, Táo quân 2018 vừa lên sóng tối 15/2 (tức đêm 30 tết Mậu Tuất) đã thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của công chúng.

Ngay sau khi Táo quân diễn ra, có khá nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chương trình, làm dấy lên các tranh luận. Nhiều khán giả cho rằng, Táo quân năm nay nhạt nhẽo và gượng ép. Nhưng cũng không ít quan điểm bênh vực chương trình ăn khách nhất năm này.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Táo quân 2018 vẫn giữ vững phong độ là chương trình hiếm hoi dám "mở miệng" một cách toàn diện và trực diện.

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 1.

Táo quân 2018 đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong những ngày qua.

Dám vẽ bức tranh biếm họa chân thực về diện mạo xã hội 2017

Trong một năm vừa qua, xã hội nước ta đã xảy ra rất nhiều vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Táo quân 2018 có thể nói là chương trình hiếm hoi dám "động chạm" để tổng kết lại các vấn đề đó, đi kèm những lời đả kích, nhắc nhở thẳng thắn.

Chỉ với thời lượng 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng Táo quân 2018 đã thâu tóm gần trọn vẹn các vấn nạn trong xã hội suốt năm qua, từ thượng tầng đến hạ tầng.

Chẳng hạn, việc bán thuốc chữa ung thư giả đã bị Nam Tào, Bắc đẩu nói thẳng là "mất dạy", "kinh doanh vô đạo đức".

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 2.

Các vấn đề thuộc cơ sở hạ tầng như sự chậm trễ trong thi công tuyến đường sắt trên cao, xả thải bừa bãi ra môi trường, quy hoạch đô thị lộn xộn, đường phố xuống cấp, lợi dụng thu phí cầu đường… đều được nhắc tới.

Dù Táo quân năm nay không có sự xuất hiện của Táo giáo dục nhưng vấn đề cải cách giáo dục và đào tạo tiến sĩ vẫn được nhắc tới, với câu định nghĩa sâu cay của Táo hưu (Minh Vượng): "Đặc trưng của cải cách giáo dục là đông tây kim cổ lẫn lộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia… Đổ vào đó cả nghìn tỉ nên không bỏ được".

Không những vậy, Táo quân năm nay còn táo bạo hơn khi đám nhắc tới nhiều vấn đề nhức nhối của bộ máy công quyền như nạn chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm, trù dập nhân tài, bổ nhiệm con ông cháu cha, mua bằng cấp… 

Đây là điều chỉ Táo quân mới làm được, khác hoàn toàn với những chương trình hài khác tại Việt Nam

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 3.

Dưới bình diện vi mô, những trò lố lăng, phi mỹ cũng được nhắc tới như việc tổ chức hoa hậu ồ ạt, hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ, chào mừng cầu thủ một cách kệch cỡm… 

Chương trình còn chú trọng đả kích nạn sống ảo "thay avatar 5 phút một lần", nghiện mạng xã hội, giật tít câu view, văn hóa bầy đàn, hổ báo trên mạng của bộ phận không nhỏ người Việt.

Hành động đả kích trực diện như vậy cho thấy, Táo quân luôn trung lập và công bằng. Đặc biệt, sau mỗi lần tổng kết về một vấn đề nào đó, Táo quân thường chốt lại bằng những câu nói rất giá trị, mang tính nhắc nhở, tích cực.

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 4.

 

Chẳng hạn, khi nói về nạn chạy chức chạy quyền, nghệ sĩ Minh Vượng đã tổng kết: "Con vua rồi lại làm vua, mẹ về thì con lại lên".

Hay, khi động tới vấn đề tham quyền cố vị, nghệ sĩ Quang Thắng đã có lời nhắc: "Muốn sống thế nào thì sống, để tới lúc hạ cánh người ta còn nhìn mặt". Còn Ngọc Hoàng lại chốt lại: "Lên là một chuyện, xuống lại là chuyện khác".

Ấn tượng lớn nhất mà Táo quân năm nay đem lại chính là cảnh các Táo tranh giành ghế một cách sống chết và đua nhau leo lên chiếc ghế cao vút được Nam Tào bày ra.

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 5.Cảnh tranh giành thang để leo lên ghế là một trong những chi tiết "đắt" của Táo quân năm nay.

Ở phân cảnh này, các nghệ sĩ đã diễn rất khéo, tạo nên bức tranh bát nháo, hổ lốn đến kệch cỡm trong việc tranh ghế giành quyền. Người trèo, người tụt, người bò, người hò hét, lôi kéo… Sự sinh động đến từng chi tiết này khiến khán giả cười ra nước mắt.

Đi kèm với diễn xuất còn là những phát ngôn thâm thúy, sâu cay như: "Ghế không có ta ghế vẫn là ghế, ta không có ghế đời ta hóa hư vô" (Minh Hằng), "ghế phải gắn với mông", "bỏ ghế ra thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì"... hay "ghế là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng" (Tự Long).

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 6.

Cảnh các Táo nhất quyết nắm tay nhau giữ ghế rồi hát: "Nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu" phản ánh đúng tình trạng lợi ích nhóm, với phát ngôn: "Bởi vì chúng mình cùng chung một nhóm, nhóm chúng mình cùng chung một lợi ích nên chúng mình phải sát cánh bên nhau".

Tóm lại, Táo quân năm nay vẫn giữ vừng phong độ là một chương trình hài bản lĩnh, dám nói. Đây là điều đáng khen ngợi cho các nghệ sĩ của chúng ta.

Nhiều điểm mới mẻ

Táo quân năm nay có khá nhiều điểm mới mẻ, khiến công chúng thích thú. Các màn báo cáo dài lê thê đã được dẹp bỏ, thay vào đó là phần thi Hoa hậu Táo đầy thú vị.

Nhờ phần thi này, khán giả không còn phải chứng kiến các Táo trong bộ trang phục truyền thống như mọi năm mà được chiêm ngưỡng nhiều trang phục lạ mắt, độc đáo.

Ngọc Hoàng năm nay không ngồi ngai vàng, mà di chuyển nhiều hơn. Khán giả được thấy một sắc thái hoàn toàn khác của Ngọc Hoàng, không còn oai nghiêm, lẫm liệt, mà khúm núm, bỡn cợt, háo sắc trong cảnh đút tiền cho các vũ công "khởi nghiệp". 

Nhiều người cho rằng, hình ảnh này của Ngọc Hoàng sinh động , tươi mới hơn sự "đơ đơ" thường thấy, khiến chương trình hấp dẫn hơn.

Con trai Xuân Bắc với tài diễn xuất nhập thần cũng được xem là một điểm sáng của Táo quân năm nay, với phát ngôn gây sốc: "Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no".

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 7.Con trai Xuân Bắc thể hiện khả năng diễn xuất "cha truyền con nối" khiến khán giả không khỏi bất ngờ

Tự Long thực sự là ngôi sao của Táo quân năm nay, khi anh trổ tài hát chèo, tuồng và ca Huế (chế) vô cùng chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Những phát ngôn để đời

Phát ngôn để đời của các Táo luôn là một phần không thể thiếu của Táo quân. Năm nay cũng vậy, các Táo của chúng ta lại tiếp tục đưa ra nhiều chân lí thú vị, khiến người xem tâm đắc, như:

"Cuộc đời thật lắm éo le, nhân sâm thì ít, rễ tre thì nhiều".

"Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no".

"Ngày còn đương chức đương quyền, nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có đứa không dám đòi".

"Lãnh đạo rút lui, cuộc vui giờ mới bắt đầu".

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 8.

Nghệ sĩ Minh Vượng trong vai Táo hưu có khá nhiều phát ngôn tại Táo quân năm nay

"Dân mong đường sắt như mong quà, chờ mãi không thấy mới vỡ òa sung sướng".

"Ghế là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác, có hay không không quan trọng"

"Bi kịch của người ngu là ở chỗ khôn đấy".

"Hãy chọn người tài, đừng chọn người nhà".

"Lên là một chuyện, xuống là chuyện khác".

Vẫn ngậm nhiều sạn

Đúng như khán giả nói, Táo quân 2018 vẫn còn nhiều sạn, khiến nó gây mất cảm tình với công chúng.

Cách giải quyết vấn đề của Táo quân hời hợt và chưa triệt để, khiến người xem chưa được thỏa mãn. Chẳng hạn, sau những màn "bóc phốt" các Táo ở phần thi Hoa hậu Táo, thiên đình không có hình thức xử phạt hay giải quyết mà chỉ cho lui ra. 

Hay, sau khi các Táo chơi trò giành ghế, Ngọc Hoàng xuất hiện ở phút cuối cũng không xử lí mà chỉ nói qua loa vài câu.

Đáng lẽ, Ngọc Hoàng phải có cách giải quyết nặng hơn dành cho Táo xã hội (Tự Long) sau khi leo được lên ghế, chứ không chỉ đơn giản là đưa thang cho xuống.

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 9.

Phần thi giành ghế chiếm quá nhiều thời lượng chương trình, khiến phần thi Hoa hậu Táo (thực chất là báo cáo tình hình năm qua) ít đi rất nhiều. 

Hơn nữa, số lượng Táo lại quá đông. Điều này khiến việc tổng kết, đả kích các vấn đề xã hội diễn ra qua loa, khiến khán giả hụt hẫng. Chẳng hạn, phần xuất hiện của Táo y tế (Vân Dung) khá ngắn rồi lại bị đẩy vào.

Cách trình bày vấn đề của Táo quân năm nay dàn trải và không có nhiều trọng tâm để xoáy vào.

Táo quân 2018 vẫn bị dính vào việc phô diễn nhiều chi tiết hơi tục, từ lời nói tới cử chỉ. Chẳng hạn như việc Táo kinh tế "khoe khoai" với cô Đẩu. Với một chương trình phát sóng toàn quốc, dành cho mọi lứa tuổi thì các chi tiết này là không nên.

Việc quảng cáo một cách lộ liễu cũng khiến Táo quân năm nay bị điểm trừ. Chẳng hạn, trong phân cảnh đả kích nạn sống ảo của giới trẻ, các Táo liên tục đưa chiếc điện thoại của một thương hiệu lớn về phía khán giả để. 

Chưa kể, Táo xã hội Tự Long còn phát biểu slogan: "Cứ vào trang Sen đỏ chấm vn, cái gì cũng có".

Ngoài ra, Táo quân 2018 cũng bị nhiều người phản ứng vì kì thị giới tính và chế giễu thân thể (bodyshaming). Nạn nhân của việc kì thị này là cô Đẩu. Vẫn biết rằng, các chi tiết chế giễu cô Đẩu để gây hài, nhưng đôi khi trở nên quá mức, khiến công chúng chưa hài lòng.

Bóc sạn Táo quân 2018: Nói tục thái quá và kỳ thị giới tính - Ảnh 10.

Cô Đẩu Công Lý ít đất diễn và hiền hơn mọi năm, lại là nạn nhân của kì thị giới tính, bodyshaming

Cô Đẩu Công Lý năm nay bị đánh giá là hiền và ít đất diễn, thiếu năng nổ, thú vị như mọi năm.

Tất nhiên, không ai có thể đảm bảo một chương trình kéo dài suốt hơn hai tiếng đồng hồ trong 15 năm qua không có sạn. Dù thế nào đi nữa, Táo quân vẫn luôn là một trong những món ăn không thể thiếu dành cho khán giả mỗi dịp xuân về. Đó là công sức của tập thể diễn viên hài gạo cội, đáng được trân trọng.

Long Phạm
Theo Đời sống Plus/GĐVN