Chủ nhật, 24/11/2024 | 19:07
RSS

Bộ GD&ĐT nêu lý do không hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT dù đề thi Toán, Văn bị phát tán

Thứ sáu, 30/06/2023, 06:28 (GMT+7)

Theo Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 quyết định không hủy kết quả kỳ thi dù đề thi 2 môn Văn, Toán bị phát tán trên mạng xã hội trong giờ làm bài thi.

Bộ GD&ĐT nêu lý do không hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT dù đề thi Toán, Văn bị phát tán

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Báo VTC News

Liên quan đến vụ đề thi môn Văn và Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bị phát tán trên mạng xã hội trong giờ làm bài thi, phát biểu tại họp báo của Bộ GD&ĐT chiều 29/6, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc thí sinh tuồn đề ra ngoài là cá biệt, hãn hữu. Các đơn vị đã kết luận là vi phạm quy chế thi và không làm ảnh hưởng đến kết quả chung của kỳ thi.

Theo ông Chương, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia không hủy kỳ thi vì sự việc chỉ ảnh hưởng tới một cá thể, không ảnh hưởng đến các thí sinh khác.

Về phía 2 thí sinh 2 vi phạm quy chế thi, hiện các trường hợp này đã bị đình chỉ thi theo quy định. Bộ Công an thống nhất tiếp tục điều tra thêm các đối tượng có liên quan và sẽ xử lý theo mức độ vi phạm sau khi kết thúc điều tra. Các bên đang phối hợp để tiếp tục xác minh, làm rõ, đánh giá mức độ liên quan đến bảo mật đề thi và có biện pháp xử lý phù hợp sau khi kết thúc điều tra.

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng cũng thông tin thêm, cần cân nhắc tính tác động xã hội, đánh giá 4 mức độ, đảm bảo kiến thức và khung chương trình do kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức ở diện rộng. Việc phân cấp kỳ thi về cho địa phương đã được Bộ GD&ĐT cân nhắc rất nhiều.

Với 1 kỳ thi quy mô 15 môn thi, nếu chia sẻ về mỗi tỉnh thì phải huy động 1 bộ máy rất lớn cho 63 tỉnh thành, trong khi nếu tổ chức cấp bộ thì chỉ cần huy động 1 bộ máy ra đề. Nếu tính toán về vấn đề tài chính thì sẽ rất tốn kém và việc kiểm soát chất lượng sẽ khó khăn hơn. Trong 4 công đoạn, hiện đã có 3 công đoạn là in sao đề thi, chấm thi, đánh giá và công bố tốt nghiệp đã được giao về địa phương. Khâu khó nhất là ra đề thi hiện do Bộ GD&ĐT thực hiện. Bộ chịu trách nhiệm để đảm bảo độ thuận lợi nhất cho 63 tỉnh, thành.

Bộ GD&ĐT nêu lý do không hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT dù đề thi Toán, Văn bị phát tán

Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an. Ảnh: Báo pháp luật TP HCM

Cũng tại buổi họp báo này, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết, Bộ đã khẩn trương phối hợp xác minh và xác định được người kết nối. Ở thời điểm hiện tại, chưa phát hiện việc giải đề thi ở bên ngoài gửi vào cho thí sinh trong phòng thi.

Về việc xử lý 2 thí sinh gửi đề ra ngoài phòng thi, Bộ Công an sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, đánh giá mức độ hậu quả xảy ra, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Nếu hành vi để lộ đề của hai thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý hình sự, nếu không sẽ xử lý hành chính. Trước khi xử lý phải tính toán tính nhân văn, kết quả sẽ được thông báo đến báo chí.

Về việc chụp ảnh đề thi Toán và Văn gửi ra ngoài gọi là "lộ đề" hay "lọt đề", Thiếu tướng Chung cho biết, trước đây khái niệm "lộ" đã được sử dụng trong pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Hiện nay đã có Luật bảo vệ bí mật nhà nước, căn cứ theo pháp luật hiện hành, chỉ còn khái niệm "lộ", không còn "lọt".

Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ cũng thông tin, trong tương lai, việc những đối tượng gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn vẫn có. Trước kỳ thi này, Bộ Công an đã triệt phá hai vụ án với liên quan tới mua bán thiết bị công nghệ cao sử dụng vào việc gian lận thi cử.

Để phòng tránh việc này, thời gian tới, nên nghiên cứu phương án chủ động phát hiện thiết bị công nghệ cao trong các kỳ thi. Cùng với đó, cần đẩy cao tuyên truyền để cảnh báo, răn đe để các thí sinh, gia đình thí sinh biết đó là việc làm vi phạm pháp luật. Đồng thời, chú trọng công tác tập huấn cán bộ coi thi hơn nữa.

Cả nước có 1.012.060 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 với 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Bộ GD&ĐT thành lập 5 đoàn làm việc tại các địa phương, đại diện vùng, miền và cũng lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh.

Nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch.

Đề thi năm nay cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.

Hai ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả nước có 41 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi (Ngữ văn 12 thí sinh, Toán 4, Khoa học tự nhiên 11, Khoa học xã hội 11, Ngoại ngữ 3 em). Trong các thí sinh bị đình chỉ, 1 em mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các địa phương cũng cho 6 cán bộ dừng thực hiện nhiệm vụ trong quá trình diễn ra kỳ thi.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại