Thứ năm, 21/11/2024 | 18:23
RSS

Bỏ đề xuất SV làm thêm không quá 24 giờ/tuần: Cân đối giữa việc học và kiếm tiền

Thứ bảy, 05/10/2024, 11:21 (GMT+7)

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi mới nhất quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, SV đang theo học các chương trình GD chính quy.

Bỏ đề xuất SV làm thêm không quá 24 giờ/tuần: Cân đối giữa việc học và kiếm tiền

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng tham gia Ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: TG

Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động theo quy định dự Luật này được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.

Thuận lợi cho sinh viên

Nguyễn Thị Nhung - sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trải qua khá nhiều công việc khi bắt đầu đi học đại học, từ phụ quán cà phê, chào mời thử nước uống trong siêu thị, làm thu ngân, mẫu makeup… Gần như công việc nào cũng yêu cầu người làm bán thời gian phải theo ca, mỗi ca 6 - 8 giờ/ngày và mỗi tuần làm ít nhất 6 ca. Như vậy, mỗi tuần, trên thực tế, thời gian làm việc của sinh viên từ 36 - 48 giờ. Nếu theo như quy định cũ của dự thảo sẽ quá quy định từ 12 - 24 giờ.

Một quán Pizza trên đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cần tuyển 2 nhân viên cho vị trí phục vụ với yêu cầu biết tiếng Anh giao tiếp và làm theo ca, mỗi ca 7 giờ và chỉ nghỉ một buổi trong tuần. Như vậy, tổng số giờ làm thêm cho vị trí công việc này cho mỗi sinh viên là 42 giờ/tuần, vượt xa so với dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quy định về số giờ làm thêm của sinh viên.

Lê Đăng Quang - sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Lúc đầu, em chọn làm nhân viên bán hàng ở một nhà sách để rèn thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống… Ca làm việc của em là 4 giờ/ca, có hỗ trợ đổi ca nếu báo trước một ngày. Tuy nhiên, do lịch học thường xuyên thay đổi nên bị động trong thu xếp việc làm thêm nên em chuyển sang làm gia sư và nhận dạy vào buổi tối”.

Nhiều đơn vị tuyển dụng lao động có 2 yêu cầu mà nhân viên làm việc bán thời gian phải đáp ứng đó là làm việc từ 4 - 8 giờ/ngày và ít nhất 6 ngày/tuần. Chẳng hạn như quán cà phê ở quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) vừa đăng thông báo tuyển dụng cho vị trí nhân viên phục vụ, có ưu tiên hỗ trợ xoay ca cho sinh viên. Nhưng thời gian làm việc của mỗi ca là 5 giờ, làm việc ít nhất 6 ca/tuần. Tức là nếu sinh viên được nhận vào làm thêm thì thời gian làm việc mỗi tuần ít nhất 30 giờ.

Tham gia phỏng vấn tuyển dụng làm việc bán thời gian ở nhiều vị trí công việc, Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Các vị trí công việc như bán hàng, đóng gói, phục vụ, thu ngân… đều yêu cầu làm ca. Thường có 2 lựa chọn trong làm ca, ca 4 giờ/ngày hoặc 8 giờ/ngày, dù chọn ca nào thì cũng phải làm 6 ngày/tuần. Có nơi yêu cầu mỗi ca tối thiểu 5 giờ làm việc. Sinh viên thường chọn ca 4 - 5 giờ/ngày để buổi còn lại dành cho việc học.

Bỏ đề xuất SV làm thêm không quá 24 giờ/tuần: Cân đối giữa việc học và kiếm tiền

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tham gia Học kỳ doanh nghiệp tại Thái Lan. Ảnh: NTCC

Cần ưu tiên thời gian học tập

ThS Nguyễn Tấn Hòa - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Hiện, sinh viên các trường đại học đi làm thêm trong kỳ học gần như không bắt buộc phải có xác nhận của cơ sở đào tạo, nơi sinh viên theo học. Vì vậy, nếu quy định số giờ làm thêm tối thiểu của sinh viên sẽ không khả thi trong trường hợp đi làm thêm tự do”.

Do đó, để tạo điều kiện cho người học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng triển khai mô hình Học kỳ doanh nghiệp. Sinh viên được bố trí việc làm và hỗ trợ các chế độ như nhân viên của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tấn Hòa, với mô hình Học kỳ doanh nghiệp, ngoài củng cố và thực hành các kiến thức đã trang bị ở giảng đường, người học còn có điều kiện tiếp cận, học hỏi và xử lý trên trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao.

“Lâu nay, thời gian sinh viên làm việc thực tế tại doanh nghiệp được thống nhất trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo cân đối đúng với số tín chỉ học tập quy đổi. Khác với khóa thực tập đại trà, với Học kỳ doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để có việc cho sinh viên làm. Vì vậy, trong thời gian tham gia Học kỳ doanh nghiệp, sinh viên sẽ được trả lương”, ông Nguyễn Tấn Hòa thông tin.

Tương tự, sinh viên 2 ngành Du lịch và Công nghệ thông tin của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng có thời gian học tập thực tế tại doanh nghiệp. Với quy định về thời gian làm thêm của sinh viên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng Nguyễn Tấn Hòa băn khoăn: “Tính chất sinh viên làm thêm và sinh viên làm việc tại doanh nghiệp trong chương trình học khác nhau. Nhưng sinh viên đều được nhận lương khi tham gia làm việc. Nếu quy định thời gian làm việc của sinh viên liệu có ảnh hưởng đến xây dựng chương trình học của Học kỳ doanh nghiệp hay không?”.

Nêu quan điểm về làm thêm, ThS Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, ngoài lý do kiếm thêm thu nhập để giảm bớt áp lực tài chính cho bản thân, gia đình, sinh viên đi làm thêm sẽ được học hỏi nhiều kỹ năng sống. Nếu làm thêm đúng với chuyên ngành đang học tập thì còn tích lũy thêm được kỹ năng nghề nghiệp thực tế.

“Trong Tuần lễ sinh hoạt công dân, nhà trường luôn nhắc sinh viên cần ưu tiên nhiều thời gian cho việc học tập. Tránh mải mê đi làm thêm rồi sao nhãng, dẫn đến kết quả học tập không tốt, ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn việc làm sau khi ra trường”, ThS Hùng khuyến cáo.

“Quan trọng là cần quy định rõ việc trả lương cho sinh viên khi làm thêm thế nào. Cần quản lý ra sao để các cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho sinh viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã quy định”, ThS Nguyễn Tấn Hòa nhấn mạnh.

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại