Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:15
RSS

Bệnh Meniere – thủ phạm nguy hiểm gây chóng mặt buồn nôn

Thứ tư, 29/03/2023, 06:35 (GMT+7)

Bệnh Meniere là bệnh lý rối loạn ở tai trong gây ra triệu chứng ù tai, đầy tai, chóng mặt và mất thính lực vĩnh viễn ở hầu hết người bệnh. Bệnh được đặt theo tên của bác sĩ người Pháp là Prospere Meniere – người đầu tiên mô tả về hội chứng biểu hiện của căn bệnh này,

1. Nguyên nhân gây bệnh Meniere là gì?

Bệnh xuất hiện do sự tăng dịch và ion nội mô bất thường ở vùng tai trong, các dịch này ứ đọng trong tai gây ra các triệu chứng kể trên. Người ta đã chẩn đoán bệnh này dựa vào việc phân tích mô bệnh lý xương thái dương ở những bệnh nhân đã tử vong. Khi mắc phải bệnh Meniere, người bệnh gặp những triệu trứng đặc biệt điển hình nhưng căn nguyên thì không xác định được cụ thể.

Nguyên nhân gây bệnh thường thấy là do di chuyền, rối loạn tự miễn, dị ứng, chấn thương ở đầu hay tai. Ngoài ra bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh Meniere nhưng những người ở độ tuổi từ 40 đến 50 có tỉ lệ cao nhất, đây là căn bệnh mạn tính nên không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có những phương pháp giúp giảm bớt ảnh hưởng của các triệu chứng đến cuộc sống của người bệnh.

nguyen-nhan-gay-benh-meniere

2. Triệu chứng bệnh Meniere

Các triệu chứng của bệnh Meniere xuất hiện từng cơn với các biểu hiện điển hình:
 

  • Chóng mặt: người bệnh cảm thấy chóng mặt cho dù đang nằm, ngồi hay đứng. Các cơn chóng mặt xuất hiện đột ngột, không báo trước và kéo dài 30 phút cho tới vài giờ thậm chí cả ngày. Các cơn chóng mặt buồn nôn xuất hiện dữ dội khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, da xanh xao.
  • Điếc: người bệnh bị hoàn toàn không nghe được âm thanh, ở giai đoạn sớm thì điếc xảy ra theo từng thời điểm nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh bị mất thính lực vĩnh viễn.
  • Ù tai, có tiếng kêu trong tai: ở nhiều người bệnh, họ luôn nghe thấy những tiếng ù, rung, ầm ầm, huýt sáo hay tiếng rít ở trong tai.
  • Đầy tai, căng tai: tai bị căng tức và bít lại như giội nước vào tai.

Bệnh Meniere xảy ra với những cơn kịch phát bắt đầu bằng cảm giác ù tai, đầy tai rồi tiếp đến mất thính lực cùng các cơn chóng mặt buồn nôn kéo dài nhiều giờ liền. Tùy vào từng cơ địa mỗi người mà triệu chứng xảy ra nghiêm trọng hơn và với tần suất, thời gian kéo dài khác nhau.

trieu-chung-benh-meniere

3. Bệnh Meniere nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù bệnh không gây chết người ngay lập tức nhưng diễn ra dai dẳng với những triệu chứng điển hình vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình, thiếu máu lên não nên khiến người bệnh chủ quan, vì vậy khi có các triệu chứng kể trên thì cần đến cơ sở y tế có chuyên môn để thăm khám càng sớm càng tốt.

Nếu có các cơn chóng mặt kèm theo một số triệu chứng dưới đây thì bạn cần đến thăm khám bác sĩ ngay:

  • Rối loạn ngôn ngữ (khó nói, nói lắp…).
  • Tê buồn chân tay, ngứa râm ran, yếu tay chân.
  • Đau ngực.
  • Đau đầu bất thường, nghiêm trọng.
  • Mất ý thức.
  • Đi lại khó khăn.
  • Nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực.

Bệnh Meniere có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi các cơn chóng mặt dữ dội xảy ra khiến người bệnh té ngã, tai nạn. Bệnh cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc của nhiều người và gây áp lực tâm lý do các cơn chóng mặt xảy ra kéo dài nhiều giờ.

4. Điều trị bệnh Meniere như thế nào?

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định nhằm giảm bớt triệu chứng bệnh, cụ thể:

  • Các thuốc làm giảm chóng mặt, thuốc chống nôn.
  • Thuốc làm giảm ứ dịch, giảm lượng chất lỏng trong cơ thể để điều chỉnh những áp lực trong tai, có thể bao gồm thuốc lợi tiểu.
  • Một số bệnh nhân đáp ứng tốt với các biện pháp không can thiệp như:
  • Phục hồi chức năng bằng các bài tập dành cho người bệnh rối loạn tiền đình.
  • Dùng máy trợ thính.
  • Tạo áp lực dương bằng thiết bị Meniett (sử dụng khi người bệnh gặp các cơn chóng mặt khó điều trị, nhằm tạo ra áp lực dương tới vùng tai giữa của người bệnh để cải thiện sự trao đổi dịch trong tai). Người bệnh có thể sử dụng máy tại nhà, ba lần mỗi lần 5 phút hằng ngày.
  • Tiêm thuốc vào tai giữa để cải thiện chứng chóng mặt.
  • Phẫu thuật: áp dụng với các cơn chóng mặt gây ra sự suy nhược nghiêm trọng mà người bệnh không đáp ứng với các phương pháp khác.

Bên cạnh những chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thực hiện tại nhà một số hướng dẫn sau:

  • Nằm nghỉ hoặc ngồi có điểm tựa khi cảm thấy chóng mặt.
  • Tránh tiếp xúc với đèn sáng, hạn chế điều tiết mắt như đọc sách, xem điện thoại, TV trong thời gian dài.
  • Không sử dụng cà phê, ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ 3 bữa chính, giảm muối trong các khẩu phần ăn, không ăn mì chính.
  • Không hút thuốc.
  • Tránh lo lắng, stress.
  • Tránh các tác nhân gây dị ứng.

tri-meniere-bang-khong-hut-thuoc

Meniere là bệnh mạn tính nhưng có thể xảy ra cả với trẻ em, chính vì vậy cha mẹ cần thường xuyên và để ý những biểu hiện ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời.

Nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tránh những tai nạn xảy ra do các cơn chóng mặt đột ngột làm trẻ mất tự chủ mà té ngã.

thông tin tư vấn

Ds Thúy Quỳnh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại