Những đứa trẻ bị bố đẻ, mẹ ruột bạo hành qua lời kể của cán bộ phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em sẽ khiến trong chúng ta không khỏi giật mình.
Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 kể về trường hợp bị chính mẹ đẻ bạo hành khiến trẻ đau đớn về thể chất và sang chấn nặng nề về tâm lý.
Trường hợp cháu N.V.T (sinh năm 2012) bị cha dượng và mẹ đẻ ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh bạo hành đến gãy xương đùi, khắp cơ thể bị bầm tím.
Bé trai bị mẹ đẻ đánh gãy xương đùi đã được tách khỏi mẹ
Nguyên nhân được cho là do bé đùa nghịch lúc ở nhà một mình. Khi người mẹ đi làm về, thấy bé T. ị ra bừa bãi rồi lấy gạo trộn vào chơi. Bực tức quá, mẹ và cha dượng đã đánh bé. Tới hôm sau, thấy toàn thân cậu con trai 4 tuổi thâm tím, chân phải sưng lên, hai người mới đưa tới bệnh viện. Lúc này, bác sĩ thông báo bé T. bị gãy đùi phải. Cháu T. phải nhập Viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh để điều trị.
Sợ cháu T. có nguy cơ tiếp tục bị bạo hành khi sống cùng cha dượng và mẹ, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM cũng tìm kiếm bố đẻ của cháu là anh Tô Hoàng M. (SN 1986, đăng ký tạm trú ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để giao cho cháu cho bố đẻ nuôi dưỡng nhưng không thấy. Trong quá trình tiếp xúc với trẻ, cán bộ trẻ em được biết bé T. thường bị mẹ đánh nhiều hơn.
Đến thời điểm này, bé trai đã có tâm lý ổn định. Sau khi được cán bộ trẻ em can thiệp, bé được sống cùng dì ruột ở huyện Bình Chánh.
Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em cũng đề nghị phòng Bảo vệ trẻ em-Sở LĐTBXH TPHCM và Trung tâm Công tác xã hội hướng dẫn địa phương trong kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho cháu T, đồng thời hướng dẫn để dì ruột nhận trẻ làm con nuôi, thường xuyên theo dõi tâm lý cho trẻ.
Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết, trong số những trường hợp trẻ bị bạo hành có tới 91,7% số trẻ bị bạo hành thể chất, 6,9% trẻ bị bạo hành tinh thần.
Theo thống kê qua các vụ bạo hành trẻ em, trẻ em từ 0 –10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm tới 56.9%. Đây cũng là giai đoạn đầu của cuộc sống gia đình, các gia đình khó khăn về kinh tế, vợ chồng dễ có mâu thuẫn, kinh nghiệm nuôi dạy trẻ còn hạn chế vì vậy dễ có hành vi, lời nói bạo lực với con.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em cho rằng, các hành vi bạo lực tồn tại là do nhận thức và kỹ năng làm cha mẹ còn thiếu, có sai lầm trong quan niệm giáo dục trẻ, giáo dục bằng trừng phạt, roi vọt, các biện pháp kỷ luật tích cực hầu như chưa có, trong khi đó, cha mẹ, người chăm sóc thiếu kỹ năng mềm trong cuộc sống như xử lý căng thẳng trong gia đình.
Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc về sự bảo vệ cho trẻ em chưa đầy đủ, chưa thấy hết được sự tổn thương, rối nhiễu tâm trí ở trẻ khi bạo lực trẻ.
Ngoài ra, trẻ em sinh sống trong các gia đình suy giảm chức năng như có quan hệ lỏng lẻo, bạo lực gia đình, cha mẹ nghiện rượu, ma túy, ly hôn, cha mẹ mất sớm… thường bị bạo lực nhiều hơn.
Bên cạnh đó, nhiều vụ bạo lực đã được chấp nhận, bỏ qua hoặc hòa giải không đưa ra pháp luật nên thiếu đi tính răn đe. Nhận thức, thái độ và sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc can thiệp bảo vệ trẻ em còn thiếu sót do sợ mất thành tích...