Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:49
RSS

Cậu bé 8 tuổi khốn khổ vì không thể kiểm soát được... cười

Thứ bảy, 13/05/2017, 08:00 (GMT+7)

Bé Nguyễn Đình Phúc ở Thanh Chương, Nghệ An, thường lên cơn cười không kiểm soát, sau đó là cơn vắng ý thức.

Cậu bé 8 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh động kinh thể có cơn cười. Tái khám sau 15 ngày được mổ nội soi, bố bé Phúc không giấu được nụ cười hạnh phúc khi con đã không còn những cơn cười không kiểm soát.

Bố bé Phúc cho biết, những cơn cười bất thường của bé xuất hiện từ khi mới 4 tháng tuổi, gia đình không cho là nghiêm trọng. Lên một tuổi, bệnh ngày một nặng hơn, bé nôn trớ thức ăn sau mỗi cơn cười. 2 tuổi bé khám tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh động kinh có cơn cười và không xác định được nguyên nhân. Bé uống thuốc chữa động kinh nhưng không đáp ứng. 

be trai khong kiem soat duoc con cuoi

Bệnh nhi đã hoàn toàn hết cơn cười ngay sau phẫu thuật, ổn định và ra viện sau một tuần mổ. Ảnh: N.V. 

Bệnh của Phúc ngày một nặng, cơn cười xuất hiện nhiều hơn, kéo dài hơn kèm theo rối loạn ý thức. Cười có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi ăn, ngủ, đang học, ảnh hưởng nhiều đến việc học cũng như tâm lý của trẻ. Mỗi ngày bé có đến 4-9 cơn cười kéo dài 30 giây tới một phút, sau đó là cơn vắng ý thức (khoảng 5 phút).

Từ đó hai bố con bắt đầu hành trình đi khắp các bệnh viện để tìm cách chữa trị. Hè năm 2016, anh Chiến đưa con đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Các bác sĩ phát hiện tổ chức mô thừa trong não của bé rất nhỏ là nguyên nhân gây cơn cười không thể kiểm soát. Kích thước của tổ chức thừa này chỉ khoảng 0,6-0,7 mm nên nhiều khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ bác sĩ không thấy hoặc không để ý.

Tìm ra căn nguyên gây bệnh, điều các bác sĩ băn khoăn là phải xử lý tổ chức thừa này như thế nào an toàn nhất cho trẻ. Theo giáo sư - tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, tổn thương nằm giữa trung tâm não và rất nhỏ.

Để xử lý, các phẫu thuật viên cần tạo đường đi qua nhu mô não, khoang não thất. Vì thế đường can thiệp cần rất chính xác, nếu không sẽ làm tổn thương các tổ chức lành có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như mất trí, bại liệt.

be trai 8 tuoi khong kiem soat duoc con cuoi 2

Ca phẫu thuật có giáo sư Pháp đầu ngành về mổ nội soi chữa động kinh tham gia. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 25/4, bệnh nhân được các bác sĩ mổ nội soi với sự hỗ trợ giáo sư Olivier Delelande (người Pháp), cha đẻ của phương pháp mổ nội soi chữa động kinh. Nhờ hệ thống định vị thần kinh cung cấp hình ảnh không gian ba chiều, các phẫu thuật viên tạo đường đi an toàn vào trong não. Thay vì cắt bỏ tổ chức thừa, các bác sĩ chỉ cắt rời tổ chức mô thừa, vẫn còn để lại cuống. Cách mổ này sẽ không ảnh hưởng tới chức năng não để trẻ có thể phát triển bình thường.

Theo giáo sư Hệ, khả năng tổ chức thừa này dính lại vào cuống là có nhưng rất thấp. Ngay sau mổ, khi tỉnh dậy trẻ đã không còn những cơn cười không kiểm soát.

Nếu bệnh bé không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc não bên trong. Đây cũng là lần đầu bệnh viện thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp não cho một bệnh nhân bị động kinh.

Động kinh là một bệnh lý phức tạp, biểu hiện điển hình là các cơn co giật, sùi bọt mép… Bệnh có nhiều thể khác nhau, nhiều khi chỉ là cơn vắng ý thức, rối loạn cảm giác, hành động bất thường hoặc những cơn cười vô ý thức. Trên thế giới cứ 1.000 trẻ thì có một bé bị động kinh cơn cười, thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. 

Nam Phương
Theo Vnexpress