Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:31
RSS

Bé gái 3 tuổi khò khè khó thở, bố mẹ sốc khi xem kết quả từ bệnh viện

Thứ sáu, 10/01/2020, 07:46 (GMT+7)

Suốt 2 tháng, bé bị ho khò khè, thở khó, đi khám nhiều nơi với kết quả viêm phổi, điều trị bằng kháng sinh nhưng mãi vẫn không khỏi. Sau đó, nội soi phế quản, các bác sỹ đã tìm ra nguyên nhân.

Bé gái 3 tuổi hóc hạt đậu phộng suốt 2 tháng lại bị nhầm là viêm phổi
Hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản được các bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã lấy dị vật thành công cho 1 bé gái 3 tuổi (ngụ Long An). Được biết, tại thời điểm khám, bác sĩ tiến hành chụp Xquang phổi thẳng, dù không phát hiện dị vật nhưng có dấu hiệu ứ khí khu trú phổi trái. Do đó, bác sĩ thuyết phục gia đình cho bé nội soi đường thở kiểm tra dị vật.

Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ khoa Hô Hấp thực hiện gây mê, nội soi đường thở cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy có hạt đậu phộng nằm gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái kích thước 5mm và lấy dị vật ra.

Gia đình cho biết khoảng 2 tháng trước, bé đang ăn đậu phộng thì bị sặc, nôn ra được một ít nên cha mẹ nghĩ con không còn bị hóc. Suốt 2 tháng sau, bé bị ho khò khè, thở khó, gia đình đưa đi khám nhiều nơi với kết quả viêm phổi, điều trị bằng kháng sinh. Điều trị mãi mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí lại còn nặng hơn, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố thăm khám.

Bé gái 3 tuổi hóc hạt đậu phộng suốt 2 tháng lại bị nhầm là viêm phổi 2
Bé trai cũng bị hóc xương khi ăn cháo gà, 2 năm sau mới được phát hiện.

Trước đó, bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một bé trai cũng bị hóc xương khi ăn cháo gà, 2 năm sau mới được phát hiện. Bệnh nhi là bé trai N.N.Đ.K , 5 tuổi, ở Đồng Nai vào viện trong tình trạng viêm xẹp thùy trên phổi trái.

Lúc này, gia đình bệnh nhi mới nhớ lại cách đây 2 năm, khi ăn cháo gà, bé trai bị sặc tím tái, gia đình có đưa bé đi khám và xử trí tại bệnh viện địa phương. Từ đó tới nay bé viêm phổi tái phát hai lần, phải điều trị tại bệnh viện tỉnh và thường xuyên đi khám vì các triệu chứng ho, khò khè. Đợt viêm phổi này, bé đã được tiêm kháng sinh hơn 2 tuần tại địa phương mà không thuyên giảm.

Nghi ngờ tình trạng dị vật bỏ quên trong đường thở, các bác sĩ đã chỉ định chụp CTscan ngực, phát hiện có mảnh xương găm ở phế quản thùy trên phổi trái. Qua nội soi phế quản, quan sát thấy: mảnh xương ở ngay lỗ phế quản thùy trên phổi bên trái, được bao bọc chặt bởi nhiều mô hạt, do đã kẹt trong phổi quá lâu. Đây là một vị trí rất khó để có thể gắp dị vật bằng phương pháp nội soi bằng ống cứng thông thường.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương gà trong phổi bệnh nhi bằng phương pháp nội soi ống mềm kết hợp ống soi cứng. Phương pháp này tránh cho bệnh nhi khỏi một cuộc phẫu thuật lớn để lấy dị vật ra khỏi phổi.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, không ít trường hợp dị vật đường thở của trẻ dễ bị tưởng nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề như xẹp phổi, tạo áp xe mủ trong phổi, hoại tử, tràn khí màng phổi... Có những trường hợp để lại di chứng não suốt đời cho trẻ.

Tết Nguyên đán cũng là dịp trẻ có nguy cơ hóc nghẹn dị vật đường thở là các loại hạt thực vật như đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, hạt me, mãng cầu, bắp rang..., các loại xương cá, xương heo, lươn... các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày, các loại pin... Nhiều loại dị vật rất trơn, rất dễ tuột sâu vào lòng phế quản, đi sâu vào trong và gây tổn thương phổi.

Ngoài các loại hạt và dị vật cứng trên, một số trường hợp trẻ hóc thạch dừa, rau câu, trân châu. Đây là dị vật nguy hiểm vì thường mềm, trơn tuột, dễ nát nên khiến các bác sĩ gặp nhiều khó khăn khi lấy ra. Nếu không được phát hiện kịp thời khi trẻ có khả năng bị dị vật đường thở, tránh để quá lâu, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc.

Bác sĩ Phương Vũ cũng lưu ý cha mẹ phải nghĩ tới trường hợp trẻ hóc sặc dị vật khi đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở. Nhiều trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, nhặt các đồ vật lạ, thức ăn rơi vãi cho vào miệng rất dễ khiến dị vật lọt sâu vào đường thở mà bố mẹ không biết.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN