Theo thông tin từ một bệnh viện ở Đài Loan, trên đường đưa con đi học, một người đàn ông vội vã mở cửa xe bế con vào phòng cấp cứu. Đứa trẻ 11 tuổi nhập viện trong tình trạng toàn bộ gương mặt tím tái, hơi thở khó khăn... Với những dấu hiệu ban đầu, các bác sĩ đã nghi nghờ bé bị lên cơn hen suyễn cấp tính.
Cậu bé 11 tuổi phải vào viện sau khi ngửi mùi nước hoa trên xe của bố. Ảnh: Khám phá
Điều tra về bệnh sử, cha của bệnh nhân cho biết cháu bé có tiền sử bị hen suyễn, nhưng những năm gần đây tình trạng này không còn xuất hiện nữa. Cháu bé có biểu hiện hen suyễn tái phát từ sau khi bước lên xe ô tô của bố trong buổi sáng hôm đó.
Sau khi được các bác sĩ cấp cứu, cháu bé dần bình phục trở lại, cháu bé cho biết có dấu hiệu khó thở vì "ngửi thấy mùi lạ trên xe của bố". Tìm hiểu nguyên nhân người bố đã phát hiện chỗ bé ngồi phía sau đậm mùi nước hoa của bạn gái dùng trước đó. Rất có thể do mẫn cảm với mùi nước hoa, cháu bé bị lên cơn hen suyễn tái phát.
Theo giải thích của các bác sĩ, những mùi hương quá nồng hoặc hăng ví dụ như nước hoa có thể gây kích thích cơn hen suyễn, các phản ứng dị ứng khác hay gây đau đầu. Chúng còn có khả năng gây co thắt ngực, thở khò khè và kích thích dịch nhầy cổ họng tiết ra. Do đó, nên cho người bị hen suyễn tránh tiếp xúc với các mùi hương quá nặng.
Những điều cần biết về bệnh hen suyễn để tránh hậu quả đáng tiếc
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân chính xác của bệnh hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản). Theo các nhà nghiên cứu, người bị hen suyễn có thể do các yếu tố sau:
Ảnh minh họa
- Tình trạng dị ứng có liên quan tới di truyền như ba mẹ mắc bệnh hen suyễn;
- Bản thân mắc phải một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong suốt thời thơ ấu;
- Hít phải một số chất gây dị ứng trong không khí hay tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng ở thời thơ ấu hoặc ở giai đoạn đầu đời khi hệ thống miễn dịch đang phát triển.
Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Nhẹ thì gây mệ mỏi, làm việc kém năng suất, gây các vấn đề về tâm lý bao gồm stress, lo âu và trầm cảm…
Bệnh nặng có thể dẫn đến một số biến chứng hô hấp nguy hiểm như: Viêm phổi (nhiễm trùng phổi), xẹp một phần hay toàn bộ phổi, suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu xuống thấp tới mức báo động hay nồng độ cacbon dioxide tăng cao gây nguy hiểm, hen ác tính (cơn suyễn nặng không đáp ứng với điều trị)…
Theo các chuyên gia, tất cả các biến chứng trên đều đe dọa tính mạng, cần phải sớm được điều trị thích hợp.