Thứ bảy, 14/12/2024 | 22:59
RSS

Bắt nguyên giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng

Thứ bảy, 05/11/2016, 20:54 (GMT+7)

Nguyên Giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng cùng 1 trưởng phòng giao dịch và 1 nhân viên vừa bị công an bắt tạm giam để điều tra.

Theo những tin tức mới nhất trên báo Người Lao Động, ngày 5/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Thái Trần Thông, nguyên giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đông Nam Á (SeABank) Chi nhánh Đà Nẵng; Hoàng Hiếu Trung, trưởng Phòng giao dịch Lê Lợi (SeABank Đà Nẵng) và Nguyễn Ẩn, nhân viên SeABank Đà Nẵng, cùng về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Nguyên giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng vừa bị bắt tạm giam

Nguyên giám đốc ngân hàng SeABank Đà Nẵng vừa bị bắt tạm giam. Ảnh minh họa

Theo cơ quan công an, vào 2007, SeABank cấp hạn mức tín dụng 120 tỉ đồng có giá trị trong vòng 1 năm cho Công ty TNHH Gia Bảo do Hứa Thị Mộng Hoa làm giám đốc. Công ty Gia Bảo thế chấp tài sản tại ngân hàng gồm bất động sản và hàng hóa tồn kho luân chuyển để làm tài sản đảm bảo. Hàng hóa trong kho của công ty Gia Bảo gồm các loại như thẻ cào, SIM card, điện thoại và linh phụ kiện điện thoại...

SeABank đưa ra phương án phải chỉ định thủ kho độc lập để quản lý số hàng hóa trên. Thời điểm này, Thông giữ chức Phó giám đốc SeABank Đà Nẵng đã thực hiện ký hợp đồng bảo vệ kho hàng ba bên theo phê duyệt của hội sởSeABank.

Tuy nhiên, sau đó bị can Thông không chỉ định thủ kho độc lập nên không quản lý được kho hàng, trong khi đó kho hàng của Công ty TNHH Gia Bảo là tài sản thế chấp dẫn đến tình trạng Công ty TNHH Gia Bảo khai khống số hàng hóa và bán hàng hóa trong kho mà ngân hàng SeABank không biết.

Nguyễn Ẩn, người bị bắt cùng với nguyên giám đốc ngân hàng SeaBank Đà Nẵng

Nguyễn Ẩn, người bị bắt cùng với nguyên giám đốc ngân hàng SeaBank Đà Nẵng. Ảnh Tuổi Trẻ

Ngoài ra, Hoàng Hiếu Trung (lúc này là chuyên viên tín dụng của chi nhánh) và Nguyễn Ẩn, chuyên viên hỗ trợ tín dụng, được giao nhiệm vụ phải kiểm tra kho định kỳ và quản lý hàng tồn kho nhưng cả 2 không kiểm tra, không đối chiếu số liệu thực tế giữa báo cáo tồn kho của Công ty TNHH Gia Bảo với số hàng thực tế dẫn đến việc SeABank không quản lý được hàng trong kho.

Đến tháng 12/2008 là thời điểm trả nợ, Công ty TNHH Gia Bảo vẫn còn nợ quá hạn hơn 100 tỉ đồng. Phía ngân hàng SeABank kiểm tra kho hàng thì phát hiện hàng trong kho không đủ như báo cáo, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Lúc này giá trị hàng trong kho chỉ còn 14,5 tỉ đồng trong khi Công ty Gia Bảo khai khống lên 184 tỉ đồng. Do vậy, SeABank buộc bà Hoa nộp tiền, đồng thời ngân hàng cũng thanh lý các bất động sản để thu hồi vốn. Nhưng do không có hàng trong kho nên bà Hoa chỉ khắc phục được hơn 45 tỉ đồng, còn lại 55,2 tỉ đồng SeABank không thu được nợ.

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus