Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:10
RSS

Bão số 3 đã suy yếu, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương thiệt hại khủng khiếp thế nào?

Chủ nhật, 08/09/2024, 12:08 (GMT+7)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, 8/9, bão số 3 chỉ còn là một áp thấp nhiệt đới. Nhưng hệ quả nó để lại cho nhiều địa phương ở miền Bắc thì được đánh giá là rất lớn.

Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, hồi 04 giờ ngày 08/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3) ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h. Đến 4h ngày 9/9, áp thấp nhiệt đới suy yếu dần thành một vùng áp thấp rên đất liền khu vực Thượng Lào.

Do tác động của áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) ngày hôm nay (08/9) còn có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh. Khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Đáng chú ý, hoàn lưu của bão số 3 sẽ gây mưa cực lớn. Theo đó, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: từ sáng ngày 08/9 đến sáng ngày 09/9, có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng ngày 08/9 đến sáng 09/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Bão số 3 đã suy yếu, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương thiệt hại thế nào sau bão?

Quảng Ninh bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3. Trong ảnh là một tàu du lịch bị đắm bên cạnh cầu tàu. Ảnh: VPĐB.

Thiệt hại do bão số 3 là "rất lớn"

Đó là đánh giá của các địa phương trong báo cáo nhanh gửi về Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT).

Tại Hà Nội theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, tính từ 7h00’ đến 19h00’ ngày 07/9/2024, trên địa bàn Thành phố có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy; 03 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu.

Tính đến 19h00’ ngày 07/9, trên địa bàn Thành phố có tổng 06 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão. Mưa lớn cũng làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại. Đáng chú ý, có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.

Có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao; 03 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tườngbao, sập đổ 01 bếp nhà dân, 01 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tườngbao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 03 nhà tôn sập (huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức).

Bão số 3 đã suy yếu, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương thiệt hại thế nào sau bão?

Hà Nội cây đổ la liệt do bão số 3. Ảnh: D.V

Trong khi đó, tại TP.Hải Phòng, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng, tính đến 6 giờ sáng ngày 8/9, bão số 3 đã làm 1 người chết tại huyện Tiên Lãng do bị tường bếp đổ (nhà ở kiên cố không thuộc diện di dời); có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn, đã được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện quận. 

Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây; nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại. Có khoảng 5.000 ha lúa đang trỗ bông bị hư hại, rau màu: 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng.

Tình hình thiệt hại được đánh giá ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.

Hiện TP.Hải Phòng đang khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục... Các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.  Tổ chức hỗ trợ về y tế, … đối với các đối tượng bị thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê thiệt hại; phân loại mức độ hư hại của công trình, kết cấu hạ tầng để có phương án khắc phục phù hợp (trước mắt và lâu dài). Động viên, hỗ trợ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, trở lại cuộc sống bình thường.

Tại Hải Dương, theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố, thị xã, các ngành, bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Đã có 1 người chết, 5 người bị thương. Có khoảng 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.

Nhiều mái nhà tôn, mái phi brô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.

K.Nguyên
Theo Báo Dân Việt