Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:35
RSS

Bão số 12 đổ bộ đất liền, di dời khẩn cấp hơn 380.000 dân

Thứ sáu, 03/11/2017, 14:54 (GMT+7)

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 12, các địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đã chủ động di dời 386.000 người tránh bão.

Bão số 12 đổ bộ đất liền di dời khẩn cấp hơn 380.000 dân
Các tàu cá tỉnh Bình Thuận đã vào bờ trú bão an toàn. Ảnh: Huỳnh Hải/Zing news. ​

Sáng 3/11, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai,  Phó trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương) Nguyễn Văn Hưởng cho biết, bão Damrey di chuyển nhanh, cường độ mạnh và hiện cách vùng biển Ninh Thuận hơn 400 km.

"Với tốc độ hơn 20 km/h, sớm mai bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận", ông Hưởng nói và cho hay do tác động giữa bão và không khí lạnh nên hoàn lưu sẽ mở rất rộng về phía Bắc, từ Quảng Ngãi trở vào đến Ninh Thuận, theo báo Vnexpress. 

"Sự tác động này khiến ven biển gió có thể mạnh cấp 9/11 và lúc bão đổ bộ, chúng tôi nhận định có thể gió cấp 9/11, tương đối mạnh", ông Hưởng nêu.

Đại diện Trung tâm khí tượng cho hay, thời gian qua Nam Trung Bộ xảy ra mưa khá lớn, gây lũ ở Phú Yên. Khi bão Damrey vào bờ sẽ kết hợp với không khí lạnh nên mưa lớn kéo dài, lũ sẽ chồng lũ.

Theo kế hoạch ứng phó với bão của Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, tổng số người dự kiến di dời là trên 75.000 hộ với 386.000 nhân khẩu. Trong đó, Bình Định có số dân dự kiến sơ tán cao nhất với hơn 93.000, tiếp đến là Khánh Hòa 92.000, Phú Yên trên 85.000 người. 

Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã cấm biển từ ngày 2/11. Tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ từ 12h ngày 3/11. Về tình hình tàu thuyền, theo Bộ Tư lệnh biên phòng, đến 6h ngày 3/11, còn 40 tàu thuyền (trên 300 lao động) trong khu vực nguy hiểm, các tàu đều đã nhận được cảnh báo và đang di chuyển tránh trú.

Tại Quảng Ngãi, sau hơn ba ngày biển động mạnh, sáng 2/11, tàu cao tốc đã hoạt động trở lại bình thường trên tuyến Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết thêm huyện đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chạy tìm nơi trú tránh an toàn trước khi bão số 12 đổ bộ, theo báo Zing news.

"Đề phòng thời tiết mưa bão gây biển động kéo dài, chúng tôi đã tuyên truyền người dân, các cửa hàng tạp hóa tích trữ lương thực, thực phẩm... Riêng huyện có hai kho lương thực dự trữ: Xã An Bình (đảo Bé) dự trữ 2 tấn gạo, xã An Hải và An Vĩnh (đảo Lớn) dự trữ 23 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ cho người dân trong tình huống cấp bách", bà Hương chia sẻ. 

Ngày 2/11, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát công diện khẩn gửi các Sở, Ban ngành và UBND các huyện, thị trấn, yêu cầu theo dõi và lên phương án ứng phó bão số 12.

Công điện yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 3/11. Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương thu hoạch hoa màu trước khi bão đổ bộ. Ngưng hoạt động cáp treo tại khu du lịch khi thời tiết xấu.

Các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 18h ngày 2/11. Đối với các ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè, bắt buột phải vào bờ trước 16h ngày 3/11 đến khi bão tan.

Hôm nay, UBND TP.HCM đã họp khẩn để đánh giá tình hình bão số 12 và triển khai biện pháp ứng phó. Theo đó, TP.HCM đứng trước nguy cơ ngập úng cao do hoàn lưu bão gây mưa lớn kết hợp triều cường có thể vượt qua mức 1,6m.

Theo nhận định của Đài khí tượng thuỷ văn Nam Bộ, không khí lạnh có thể làm cong đường đi khiến bão số 12 chệch xuống phía nam. Theo đó, dù không nằm trong tâm bão, tình hình ở TP.HCM vẫn rất đáng lo ngại khi hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất ngày 5/11 là 1,63m, ngày 6/11 là 1,67 và 1,68m, khả năng mưa lớn kết hợp triều cường.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN