Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:57
RSS

Báo Indonesia: ‘Bóng đá Việt Nam vươn lên thống trị Đông Nam Á và vươn tầm đẳng cấp châu Á’

Chủ nhật, 15/12/2019, 15:14 (GMT+7)

Trong loạt bài viết mới nhất, tờ tờ Bola (Indonesia) chỉ ra nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua.

Mở đầu bài viết, tờ Bola nhắc lại thất bại trước Việt Nam tại chung kết SEA Games 30, và nhắc lại cái dớp về nhì của bóng đá nước này ở đấu trường khu vực.  Ở 2 đấu trường  AFF Cup và SEA Games, Indonesia có tới 5 lần về nhì tại mỗi giải đấu, một điều mà hiếm có đội bóng nào "có thể làm được".

Ở những phân tích sau đó, tờ báo thể thao nổi tiếng của Indonesia chỉ ra nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua.

"Chỉ cần nhìn vào cơn mưa những bình luận tiêu cực của dân mạng Indonesia trên Instagram của Đoàn Văn Hậu, cầu thủ Việt Nam gây chấn thương cho Evan Dimas, cũng đủ để biết sự cuồng tín của khán giả với bóng đá là như thế nào.

Nhưng vì sao chúng ta luôn ở trong cảnh rất gần với chiến thắng nhưng rồi lai để vinh quang vụt qua tay?", tờ Bola đặt câu hỏi trước khi đưa ra câu chuyện về những bí quyết mang đến thành công cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên theo nhạn định của cây viết Ario Yosia, thành công này không chỉ đến nhờ HLV Park Hang-seo.

Kể từ khi HLV Park Hang-seo tới nhận nhiệm vụ vào tháng 10/2017, bóng đá Việt Nam đã trải qua những chuỗi dài thành công để vươn lên thống trị Đông Nam Á và vươn tầm đẳng cấp châu Á.

Bởi thế, có thể coi thành công này hoàn toàn nhờ công của ông Park? Có lẽ không hẳn là vậy đâu", cây viết Ario Yosia mở đầu vấn đề.

Nhà báo này viết tiếp: "Việt Nam từ lâu đã bắt đầu và vẫn đang trong quá trình xây dựng sức mạnh thực sự cho nền bóng đá của mình, bắt đầu từ việc xóa bỏ vấn nạn dàn xếp tỉ số.

Năm 2005, nhiều đường dây cá độ bị phát hiện. Khoảng 50 trọng tài, HLV, quan chức bóng đá bị đưa vào vòng điều tra. Khủng khiếp nhất chính việc mạnh tay phanh phui vụ 8 cầu thủ U23 Việt Nam tham gia đánh bạc và dàn xếp tỉ số tại SEA Games 2005.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2007 có tới 7 trọng tài và 2 quan chức thể thao tiếp tục bị đưa ra ánh sáng với việc dàn xếp tỉ số. Rồi đến năm 2014, những vụ việc liên quan đến hàng chục các cầu thủ Đồng Nai và Ninh Bình với hành vi tương tự cũng được đưa ra điều tra và xét xử.

Chính những cuộc chiến như vậy đã góp phần tạo ra sự trong sạch, khi dẹp bỏ được một trong những vấn nạn nhức nhối nhất của bóng đá".

Bóng đá Việt Nam vươn lên thống trị Đông Nam Á
Bóng đá Việt Nam vươn lên thống trị Đông Nam Á dưới thời HLV Park Hang Seo

Tờ báo xứ Vạn đảo cũng đánh giá cao vai trò của công ty cổ phần bóng đá VPF vào năm 2012 thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của bóng đá Việt Nam

"Ngoài cuộc chiến với nạn dàn xếp tỉ số, bóng đá Việt Nam cũng trải qua bước cải cách đột phá với sự ra đời của công ty VPF vào năm 2012, với nhiệm vụ tổ chức và điều hành giải VĐQG. VFF vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 36% cổ phần. Phần còn lại sẽ được chia đều cho các CLB.

VFF hiện đang có một trụ sở khang trang, với hệ thống sân tập chất lượng để ĐTQG sử dụng mỗi khi tập trung. Cùng với đó là sự phối hợp với cơ quan an ninh để theo dõi, quản lý nền bóng đá. Nếu có bất cứ vụ việc tiêu cực nào do dàn xếp từ bên ngoài, VFF sẽ không phải đơn vị can thiệp chính bởi mọi việc sẽ được xếp vào loại vi phạm hình sự và do công an thụ lý giải quyết.

Vậy còn PSSI thì sao?", tờ Bola tự đặt ra câu hỏi cho chính nền bóng đá của quốc gia mình.

Cuối cùng tờ báo thể thao xứ Vạn đảo đưa ra giải pháp để học tập được những điều Việt Nam đã làm.

"Trên thực tế, bóng đá Indonesia cũng đang cố gắng có những bước đi để làm trong sạch bộ máy của mình.

Thông qua bàn tay sắt của Cảnh sát trưởng Quốc gia Tito Karnavian (hiện là Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Lực lượng đặc nhiệm Antimafia Bola được thành lập để phá bỏ nhiều vụ dàn xếp tỉ số trong suốt năm qua.

Cao trào nhất của chiến dịch này chính là vụ bắt giữ Joko Driyono, Quyền Chủ tịch của PSSI, người sau đó đã bị kết án vì đã hủy bỏ các bằng chứng về việc dàn xếp tỉ số. Joko là một nhân vật quan trọng trong việc quản lý các giải đấu chuyên nghiệp của Indonesia từ giữa những năm 2000 đã bị nghi ngờ về các trường hợp dàn xếp tràn lan.

Mặc dù bắt đầu muộn, nhưng cải cách bóng đá Indonesia hiện cũng đã bắt đầu. Chủ tịch mới của PSSI, ông Mochamad Iriawan là người xuất thân từ ngành cảnh sát dự kiến ​​sẽ tiếp tục làm sạch các vấn đề từ bên trong PSSI cho đến cả nền bóng đá Indonesia.

Đây phải là cam kết được duy trì bởi cho đến nay, PSSI vẫn còn che đậy nhiều vấn đề của việc yếu kém trong quản lý nền bóng đá quốc gia. Những cải cách của chủ tịch Mochamad Iriawan phần nào cũng vẫn phải nhận những nghi hoặc bởi vẫn còn nhiều những lãnh đạo được xem là không có quan điểm cấp tiến trong bộ máy thượng tầng của PSSI.

Nhưng cũng giống như việc giành được chức vô địch trong một giải đấu, tất cả đều cần phải có sự kiên nhẫn cho một quá trình chuẩn bị thực sự nghiêm túc. Liệu những cải cách của PSSI có giúp mang lại bộ mặt mới để ĐTQG Indonesia lên ngôi tại AFF Cup 2020, qua đó xóa bỏ đi danh hiệu "chuyên gia về nhì"? Không ai có thể biết trước được.

Tuy nhiên kể cả khi Indonesia có thất bại một lần nữa ở giải đấu đó, người hâm mộ cũng không nên quá buồn bã hay giận dữ bởi bóng đá không phải lúc nào cũng có được chiến thắng. Điều quan trọng là tạo ra được sự đoàn kết để thành công có thể đến trong tương lai. Không cơn đau nào là dễ vượt qua, nhưng hy vọng mọi việc sẽ dần tốt đẹp hơn", cây viết Ario Josiah của tờ Bola kết lại.

 

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN