Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:35
RSS

“Bánh mì và hoa hồng": Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3 và câu chuyện bình quyền của phụ nữ

Thứ năm, 08/03/2018, 10:14 (GMT+7)

Vào những ngày này 106 năm trước, hàng ngàn phụ nữ đã diễu hành trên các đường phố nước Mỹ để đòi giảm giờ làm, tăng lương và phản đối việc nhận trẻ con vào làm. Họ vừa đi vừa đồng ca khẩu hiệu “Bánh mì và Hoa hồng”.

Cuộc đấu tranh bền bỉ bảo vệ sự công bằng cho phụ nữ

Đây không phải lần đầu tiên phụ nữ đứng lên bảo vệ sự công bằng của bản thân. Từ năm 1789, từ bản Tuyên ngôn về nhân quyền và pháp quyền nổi tiếng của nước Pháp, quyền bình đẳng và yêu cầu rằng phụ nữ cần được đối xử công bằng đã nhen nhóm. Đến năm 1791, Olympe de Gouges đã soạn thảo Tuyên ngôn về quyền phụ nữ và công dân, bản thảo chính thức đầu tiên nói về đòi quyền được tôn trọng và đối xử bình đẳng của phụ nữ. Những mong ước chính đáng của phụ nữ dần được ánh sáng văn minh của thời đại rọi đến. 

Ngày mùng 8 tháng 3 năm 1857, cuộc biểu tình quy mô và có tổ chức đầu tiên nhằm phản đối chế độ lao động hà khắc của các nữ công nhân ngành dệt tại thành phố New York (Mỹ) đã nhận được sự đồng lòng và ủng hộ đông đảo của tầng lớp lao động. 

Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3
Bánh mì tượng trưng cho một cuộc sống ấm no, hoa hồng tượng trưng cho những giá trị tinh thần cao đẹp.

Bốn mươi hai năm sau, vào ngày mùng 8 tháng 3 năm 1899, một cuộc biểu tình lớn khác thu hút sự tham gia của hơn 15.000 nữ công nhân ngành dệt may tại hai thành phố Chicago và New York yêu cầu giảm giờ làm và tăng lương tương xứng với mức lao động đã đạt được thành công lớn. Giới chủ đã phải nhượng bộ và chấp nhận những yêu cầu của cuộc biểu tình. 

Câu chuyện nhanh chóng lan xa và khích lệ tinh thần cho phong trào đấu tranh của phụ nữ toàn thế giới Những cuộc đấu tranh bền bỉ vốn nhiều lúc tưởng như rơi vào trông gai bế tắc như được tiếp thêm lửa. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1910, đại hội phụ nữ thế giới lần 2 với hơn 100 đại biểu từ 17 quốc gia đã quyết định lấy ngày 8 tháng 3 là ngày quốc tế phụ nữ.

Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3
Vào ngày 27 tháng 8 năm 1910, đại hội phụ nữ thế giới lần 2 với hơn 100 đại biểu từ 17 quốc gia đã quyết định lấy ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc tế phụ nữ.

Ý nghĩa của biểu tượng "bánh mì" và "hoa hồng"

Ngược dòng thời gian, vào ngày 8-3-1912, một cuộc biểu tình lớn ở Massachusetts với cờ và biểu ngữ có dòng chữ "bánh mì và hoa hồng" đã đi vào tiềm thức của thế giới. Những người phụ nữ tham gia sự kiện ấy đã không ngừng nghỉ phấn đấu cho một thế giới mà họ tin rằng, khi người phụ nữ được đối xử bình đẳng thì cuộc sống của tất cả mọi người cũng vì thế mà tươi sáng hơn.

Nếu coi "bánh mì" đại diện cho những giá trị vật chất của cuộc sống thì "hoa hồng" ở đây tượng trưng cho những giá trị tinh thần của mỗi người. Chúng ta đều cần những điều kiện thiết yếu để sống, để phát triển bản thân. Không như hoa hồng, chúng ta không thể thiếu những điều cơ bản đó để tồn tại. Nhưng bánh mì chỉ đủ cho ta tồn tại, chưa hẳn có một cuộc sống no ấm là đủ cho tất cả, đủ cho niềm vui, đủ cho mái ấm gia đình. Để sống đúng nghĩa ta cần phải chăm chút cho cả tinh thần. Nuôi dưỡng tinh thần, chăm chút cho nó để cuộc đời chúng ta không khô cằn, không bị quẩn quanh trong những giá trị vô tình của vật chất. Sống hài hòa giữa vật chất và tinh thần có lẽ là ước ao của nhiều người bởi ai cũng tìm kiếm danh lợi và khát khao một chốn yên bình.

Cuộc sống ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn. Ở đâu đó trên thế giới này, nhiều người phụ nữ vẫn còn phải lựa chọn giữa bánh mì hay hoa hồng, lựa chọn giữa một cuộc sống đủ đầy về mặt chất nhưng thiếu vắng niềm vui hay một cuộc sống nhiều cảm xúc nhưng lại phải lo toan cuộc sống. 

Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3
Ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn những người phụ nữ phải lựa chọn giữa bánh mì hay hoa hồng.

Mẹ Theresa nói rằng, thế giới này đói tình yêu hơn bánh mì. Người Nga có một câu nói khác "Nếu có hai cái bánh mì tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Bởi vì tâm hồn cũng cần ăn uống". Ai cũng mong muốn có một bông hồng cho riêng mình. Một bông hồng để khiến bạn bay bổng, khiến cho vạn vật như có hồn. Bông hồng nâng đỡ tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể cảm nhận những cái của riêng mình. Khi có những nỗi niềm của riêng mình, chúng ta mới thật sự sống phần của chúng ta, mang tâm hồn chúng ta gửi gắm vào những điều tốt đẹp của cuộc đời.

Trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại, phụ nữ đã bị những rào cản vô hình trói buộc vào khuôn mẫu. Đó là trách nhiệm với chồng con, với gia đình. Đó là hình ảnh một người vợ hiền, một người mẹ đảm. Đó vừa là lời khen vừa là gánh nặng vô hình. Lời khen là để cho đi trong khi gánh nặng giữ kín trong lòng. Những chữ hiền, chữ ngoan, chữ đảm là để tặng người, người phụ nữ có giữ lại được bao nhiêu cho mình?

Liệu nửa kia của thế giới có biết rằng, ngoài việc cố gắng để vun vén gia đình, họ cũng có những vất vả lo toan ngoài xã hội Họ vừa phải đi làm để kiếm thêm thu nhập cải thiện điều kiện vật chất, vừa phải quần quật lo toan để đảm bảo cái yên vui gia đình. Trăm công nghìn việc như thế, thời gian đâu mà nghĩ đến niềm vui cá nhân, thời gian đâu mà nghĩ đến "bông hồng" của lòng mình. Niềm vui của những người phụ nữ đã bị bó buộc vào niềm vui gia đình. Sự hy sinh thầm lặng và lớn lao này có lẽ cần được tri ân 365 ngày một năm, bởi vì chỉ một ngày 8 tháng 3 là không đủ.

Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3
Phụ nữ vừa phải đi làm để kiếm thêm thu nhập cải thiện điều kiện vật chất, vừa phải quần quật lo toan để đảm bảo cái yên vui gia đình.

Ngày nay, khi mà xã hội ngày càng bình đẳng hơn, khi mà áp lực xã hội được chia đều dần cho cả hai giới, những người phụ nữ được giải phóng khỏi những bất bình đẳng và đã có thêm thời gian cho riêng bản thân. Cuộc sống đủ đầy làm cho tâm hồn con người thăng hoa, những giá trị tinh thần cao quý mới có dịp phát triển. Đúng như người Nga đã nói, khi có hai cái bánh mì hãy bán đi một cái để mua hoa hồng. Bánh mì chỉ ăn đủ no thôi, nhưng sự ngọt ngào của hoa hồng sẽ giúp bạn rực rỡ và theo bạn mãi.

Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, thứ tình cảm tốt đẹp và tinh khiết nhất của con người. Khi ta yêu một người, tình yêu của ta sẽ nâng đỡ người ta. Một người được yêu thương, được nâng đỡ thì người ta sẽ xử sự theo cái vị thế mình trao cho họ. Người ta có thể quên một bữa ăn nhưng nào ai dám quên một tình yêu đã nâng niu mình. Họ giữ tình yêu đó trong lòng để rồi đến lúc lại trao đi. Tình yêu cứ thế còn mãi, có phải là vậy sao?

Vì vậy, ngày mùng 8 tháng 3 này, bạn hãy mua tặng người phụ nữ của mình một bông hồng. Bông hồng để trân trọng những sự hi sinh mà họ đã dành cho bạn, và đừng quên 364 ngày còn lại hãy ở bên giúp đỡ và chia sẻ những chuyện vui buồn cuộc sống. Bánh mì là để chia sẻ, nhưng thỉnh thoảng phụ nữ cũng cần những bông hồng cho riêng họ. Bởi vì họ là cái đẹp của cuộc đời này, một cái đẹp đầy mạnh mẽ nhưng cũng lắm mong manh.


Xem thêm: Sống lại sau khi "đã chết", cụ bà 90 tuổi khỏe mạnh hơn cả trước đó

GIANG SPIDERUM
Theo Trí thức trẻ