Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:39
RSS

Bắc Giang: Vì sao người dân khiếu kiện Dự án Khu B KĐT Đình Trám - Sen Hồ?

Thứ ba, 18/09/2018, 13:15 (GMT+7)

Mặc dù quyền lợi của người dân đã được ghi rõ trong Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu B KĐT Đình Trám - Sen Hồ nhưng việc thực hiện chưa đúng khiến người dân khiến nại kéo dài.

LTS: Chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các khu đô thị đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực nhất định cho xã hội. Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các khu đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập khi nhà đầu tư chỉ chạy theo lợi nhuận còn nhà quản lý thì buông lỏng và bỏ mặc quyền lợi chính đáng của người dân khi thu hồi đất giao nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng.

Thực tế trên đang diễn ra tại huyện Việt Yên - Bắc Giang khi dự án Khu B thuộc Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ khiến dự án không thể triển khai đúng theo kế hoạch trong khi người dân vô cùng bức xúc.

Quyền lợi của người dân bị bỏ quên 

Trên cơ sở quy định của pháp luật và chủ trương đã được thực hiện thành công trước đó của tỉnh Bắc Giang, những văn bản chấp thuận đầu tư Dự án Khu B KĐT Đình Trám - Sen Hồ (hai Quyết định số: 1881/QĐ-UBND và Số 211/QĐ-UBND) có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các hộ dân sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước (bàn giao đất để thực hiện Dự án Khu B thuộc Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ).

Cụ thể: “Hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng 70 ha đất; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoảng 30 ha tại các khu trung tâm gồm: Khu vực bám trục TL295B, QL37, các tuyến đường chính có mặt cắt 32m và một số khu vực để tạo quỹ đất dịch vụ cho người dân theo cam kết khi lựa chọn chủ đầu tư dự án”.

Người dân khiếu kiện Việt Yên, Bắc Giang 1
Dự án Khu B KĐT Đình Trám - Sen Hồ huyện Việt Yên do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ đầu tư. 

Nội dung này hoàn toàn phù hợp với các quy định theo luật đất đai hiện hành. Nghị định Số: 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 25 nêu rõ: “Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi;…”.

Tại Quyết định Số: 869/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang, Khoản 4 Điều 22 cũng nêu: “… Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21 Quy định này và các Khoản 1, 2, 3 Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hình thức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất cho người có đất Nhà nước thu hồi.”

Trên cơ sở nội dung quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang về dự án nêu trên và các quy định của pháp luật khác, UBND huyện Việt Yên đã ban hành Quyết định Số: 250/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND huyện Việt Yên về việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư và danh sách các hộ dân ba thôn Hùng Lãm 1, 2, 3, xã Hồng Thái (cùng với đó là các quyết định thu hồi đất danh riêng cho ba thôn). Trong đó có ghi rõ tại mục Ghi chú là TDC (Tái định cư) đối với khá nhiều hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo phản ánh, UBND huyện Việt Yên đã thực hiện việc này không rõ ràng; dường như đang có dấu hiệu "bỏ quên" quyền lợi của người dân.

Người dân khiếu kiện Việt Yên, Bắc Giang 3
Cưỡng chế giải phóng mặt bằng khi lúa còn non tại xã Hồng Thái, huyện Việt Yên 

Cưỡng chế khi lúa còn non

Khi các văn bản liên quan đến dự án trên được công bố, nhân dân đã gửi rất nhiều đơn thư để thắc mắc về những quyền lợi mà mình được hưởng sau khi bàn giao đất cho Nhà nước.

Trong lúc những thắc mắc của người dân chưa được trả lời thỏa đáng thì ngày 03/10/2017 UBND huyện Việt Yên ban hành hàng loạt Quyết định cưỡng chế thu hồi đất với các hộ dân thôn Hùng Lãm 1 và 2 xã Hồng Thái. Tiếp đó, ngày 06/10/2017 UBND xã Hồng Thái ra thông báo tiến hành cưỡng chế với thời gian từ ngày 09/10/2017 - 13/10/2017 và tiến hành cưỡng chế đối với hàng loạt các hộ dân (đến nay đã có 08 đợt thu hồi đất- PV).

Trong đó, việc chính quyền huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng khi trên ruộng vẫn còn lúa non của bà con nhân dân đã đẩy những bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm.

Theo phản ánh của bà con nhân dân, cùng những hình ảnh được ghi nhận tại thời điểm chính quyền tiến hành cưỡng chế giải phóng mặt bằng ngày 9/10/2017, lúa trên đồng của bà con phần lớn đang còn xanh (có thể gọi là lúa non - một số đang chín đỏ đuôi); đối với lúa tẻ phải 15 ngày nữa mới thu hoạch được, còn lúa nếp đang trong giai đoạn phơi màu - ngậm sữa và tạo hạt (một số khác lúa mới quay bông) nên cũng phải hàng tháng nữa mới thu hoạch được.

Khi tổ chức cưỡng chế, chính quyền huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang đã cho máy gặt đập liên hợp vào tiến hành gặt toàn bộ số lúa đang còn non của bà con nhân dân tại đây và đưa về lưu giữ tại UBND xã Hồng Thái.

Số diện tích lúa nếp còn lại, do lúa mới đang thời kỳ phơi màu - ngậm sữa không thể gặt được đã bị lực lượng cưỡng chế cho máy xuống phá nát sau đó đổ đất san lấp mặt bằng lên trên. Tiếp đến những lần cưỡng chế sau này, hàng loạt hoa màu đang trong thời kỳ sinh trưởng của bà con nông dân cũng bị tàn phá. 

Người dân khiếu kiện Việt Yên, Bắc Giang 5
Số thóc lúa non của người dân thôn Hùng Lãm bị gặt khi bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng ngày 09/10/2017 hiện đang được lưu giữ tại UBND xã Hồng Thái, huyện Việt Yên

Cũng chính vì việc cưỡng chế khi còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và theo kiểu “tàn phá” hoa màu của bà con nông dân chưa đến kỳ thu hoạch, người dân vùng dự án, đặc biệt là các hộ dân tại ba thôn Hùng Lãm 1, 2, 3, xã Hồng Thái liên tục có đơn khiếu kiện kéo dài và vượt cấp trong suốt thời gian từ khi bắt đầu các thủ tục để thực hiện dự án đến nay.

(Còn nữa)

Nhã Nam
Theo Đời sống Plus/GĐVN