Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:21
RSS

9X Nam Định không ngại làm đồng nát, đẩy xe rác để có tiền đi học

Thứ sáu, 13/04/2018, 14:27 (GMT+7)

Thùy Linh cho hay cô rất buồn khi không được đi học thêm, nhưng chưa từng có ý trách móc cha mẹ.

 

Phạm Thị Thùy Linh - chủ nhân câu chuyện hiện gây chú ý trên mạng.

Câu chuyện về cô gái chịu nhiều thiếu thốn nhưng vẫn tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch và hiện là sinh viên năm 2, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Greenwich (Việt Nam) trở thành tâm điểm chú ý trên mạng.

Tuổi thơ không búp bê, không học thêm

Phạm Thị Thùy Linh (25 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) là chị cả trong gia đình có 3 chị em, cha mẹ là nông dân, phải làm thêm đủ thứ công việc chân tay nuôi các con ăn học. Nhưng ở quê lúc bấy giờ không có nhiều việc để làm, thế nên khó khăn cứ chồng chất khó khăn.

Các món đồ chơi thông minh, hay đơn giản là con búp bê, đối với chị em Linh ngày ấy là điều quá xa xỉ, không bao giờ dám nghĩ tới. Tuổi thơ của nữ sinh Nam Định có chăng là những cây cỏ, cây bèo ngoài bờ ao, là món đồ chơi tự tạo từ vật dụng bỏ đi của gia đình.

Cũng do gia đình khó khăn, thiếu thốn nên 3 chị em không có điều kiện đi học thêm như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, họ lại có ý thức hỗ trợ nhau cùng học tập, lấy chính thiếu thốn đó làm động lực vươn lên, đạt kết quả tốt.

"Mình từng cảm thấy rất buồn vì không được đi học như các bạn, nhưng chưa bao giờ trách móc cha mẹ", 9X chia sẻ với Zing.vn.

Với chị em Thùy Linh, hoàn cảnh khó khăn là động lực để bản thân cố gắng.

Đẩy xe rác, tháo dỡ công trình - miễn là được đi học

Không phải đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn cũng đều quen với việc đồng áng. Nhưng Thùy Linh thì khác, sự trưởng thành của cô gắn liền với những ngày theo mẹ ra đồng gieo mạ, cấy lúa. Đây thậm chí còn là "nghề" giúp cô có thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Giống như các cô gái khác, Thùy Linh lớn lên với đầy ước mơ, hoài bão. 9X kể: "Ngày xưa, cứ mỗi lần xóm mình mất điện, 3 chị em mình lại rủ nhau trèo lên mái nhà hóng gió. Bất giác nhìn thấy chiếc máy bay nhỏ bé trên bầu trời rộng lớn. Mình luôn ước ao tương lai sau này được ở trên chuyến bay ấy và đi đến bất cứ nơi đâu".

Từ đó, hình ảnh chiếc máy bay đi sâu vào trong giấc mơ, tiềm thức của Linh lúc nào không hay. Cô gái 25 tuổi dần dần có thói quen hét to những lời gửi gắm của mình mỗi khi ngước nhìn lên bầu trời.

Cô gái Nam Định không ngần ngại làm mọi việc để có chi phí học tập, từ việc đồng áng đến phụ cha kéo xe rác.

Rồi "giấc mơ bay" của Thùy Linh cũng trở thành hiện thực khi cô vinh dự trở thành một trong 2 đại diện Việt Nam được Hội chữ thập đỏ quốc tế cử sang Nhật tham gia Hội nghị International Youth Exchange 2010. Đó có thể coi như mốc son đáng nhớ trong cuộc đời Linh.

Chuyến đi này chính là lần đầu tiên 9X bước chân ra khỏi quê nhà, lần đầu tiên được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế, lần đầu tiên được sống ở đất nước văn minh và hiện đại. Chuyến đi không chỉ là khởi đầu cho ước mơ được "bay", mà còn bắt đầu chuỗi "những lần đầu tiên" của nữ sinh Nam Định.

Nhờ đó, Thùy Linh có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình hơn. Cô nhận ra bản thân hạnh phúc với những chuyến đi, mong muốn được đi đến thật nhiều nơi, khám phá các vùng đất mới. Điều này thôi thúc 9X quyết định chọn chuyên ngành Du lịch trong kỳ thi đại học.

Thùy Linh (phải) trong chuyến đi Nhật Bản năm 2010, khi ấy cô đang là học sinh lớp 12.

Nhưng dù khát khao thực hiện ước mơ, cô gái Nam Định vẫn luôn đặt gia đình lên trên tất cả. Vì muốn nhanh chóng phụ giúp cha mẹ, Linh đã lựa chọn theo học hệ cao đẳng.

Ngày hay tin trúng tuyển, biết nhà không có tiền, Thùy Linh tự mình kiếm việc làm thêm để trang trải sinh hoạt cho cuộc sống nơi thủ đô, cùng học phí hàng tháng. Trong những năm tháng sinh viên ấy, 9X đã làm nhiều việc từ dẫn tour du lịch, cho đến phụ cha đẩy xe rác, thu gom phế liệu.

Linh kể có lần khi đang mặc quần áo lao động, đeo khẩu trang, găng tay bẩn đi làm với cha thì gặp một người bạn cấp 3. Thay vì cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ, cô yêu mến, tự hào về cha mẹ mình nhiều hơn.

"Lúc đi làm cùng cha, mình thấy vui lắm. Cha mẹ vất vả, mình có thể giúp đỡ cũng là báo hiếu được một chút rồi", 9X tâm sự.

Mong muốn cống hiến cho quê hương

Sau khi học tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, Thùy Linh bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch. Điều đó đồng nghĩa với cơ hội cô đặt chân khám phá những vùng đất mới, con người mới dần rộng mở.

Chính từ những chuyến đi ấy, cuộc gặp gỡ với khách nước ngoài, Linh nhận thấy bản thân còn quá nhỏ bé so với thế giới ngoài kia và mong muốn thay đổi nhiều hơn.

9X quyết định đi tiếp con đường học tập và lựa chọn trở thành sinh viên Đại học Greenwich (Việt Nam) với mức học phí cao, cứ 4 tháng lại phải đóng 25 triệu đồng.

Thùy Linh (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn đại diện cho Đại học Greenwich (Việt Nam) tham gia cuộc thi quốc tế dành cho sinh viên chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.

Thùy Linh tâm sự: "Thời gian đó, mình khá phân vân trong việc chọn trường, chọn ngành vì thực sự muốn vào một môi trường có thể hỗ trợ mình tiến xa hơn để thực hiện mọi hoài bão. Việc phải tự chi trả học phí cũng là thách thức lớn. Nhưng để có thể thực hiện ước mơ, mình phải quyết tâm thay đổi".

Trước câu hỏi về việc xoay xở học phí thế nào, cô gái 25 tuổi cho hay: "Mình quyết định đi làm thêm ở một cửa hàng Nhật Bản, việc làm này không những giúp mình có thêm chi phí học tập, mà mình còn có cơ hội học thêm tiếng Nhật, mở rộng vốn ngoại ngữ, giúp ích rất nhiều trong công việc sau này".

9X cũng vui vẻ tiết lộ: "Sau này khi muốn làm gì, mình cũng sẽ cố gắng liên quan đến quê hương. Mình đang ấp ủ một dự án bán các mặt hàng do quê mình sản xuất, muốn mang thương hiệu quê hương phát triển trên thị trường".

Hiện tại, Thùy Linh bước vào kỳ thực tập tại doanh nghiệp On-the-job training tại Đại học Greenwich (Việt Nam) và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ mở một đại lý du lịch nhỏ của riêng mình.

Phan Quỳnh
Theo Tri thức trực tuyến