Shaun the sheep là bộ phim hoạt hình nhiều tập nổi tiếng được chiếu lần đầu tiên ở Anh vào năm 1995 với tên tiếng Việt là Cừu quê ra phố. Bộ phim xoay quanh những chuyến phiêu lưu, rong chơi và nghịch phá của chú cừu Shaun và những người bạn trên cánh đồng cỏ bạt ngàn ở một nông trại. Dù đã ra đời cách đây hơn 20 năm nhưng Shaun the sheep vẫn rất được trẻ em yêu thích và từng được chuyển thể thành phim điện ảnh.
Khác với những chú cừu thông thường khác, Shaun sở hữu IQ cao hơn cả con người và lòng hiếu kỳ bất tận. Cũng vì tính tò mò và bộ óc thông minh mà Shaun từng chủ mưu cho nhiều phi vụ cực kỳ hoành tráng như biến nhà kho thành sàn nhảy, đào hồ bơi riêng hay đặt bánh pizza cho cả đàn ăn,… Xuyên suốt những trò nghịch nhợm của Shaun là sự góp mặt của cô cừu mập ú có thể ăn mọi thứ trên đời Shirley, bé cừu dễ thương Timmy và chú chó chăn cừu lịch thiệp Bitzer.
Mỗi tập phim trong serie Shaun the sheep được bắt nguồn từ một ý tưởng, sau đó các nhà biên kịch sẽ cùng hội ý, bàn bạc để viết nên câu chuyện hoàn chỉnh. Sau khi có cốt truyện đầy đủ, nhóm họa sĩ sẽ chuyển những câu chữ thành hình ảnh trên giấy để các nhà quay phim nắm được nội dung. Cuối cùng, nhóm làm phim sẽ thiết kế từng khung cảnh, kỹ xảo, động tác và bố trí các góc máy một cách phù hợp nhất.
Một bí mật thú vị là đồng cỏ rộng lớn trên phim chỉ là tấm nỉ xanh và được phủ bóng để tạo chiều sâu. Để tô điểm cho đồng cỏ, các nhà làm phim sẽ gắn thêm hoa cúc và bụi cỏ nhỏ rồi bố trí các góc máy thật linh hoạt. Cuối cùng, họ cố định các nhân vật trong phim bằng nam châm rồi sắp xếp thêm các chi tiết khác như kho thóc, nhà cửa, cây cối,…
Để biến những nhân vật hoạt hình vô tri trở nên sống động, bộ phận tạo hình phải đúc khuôn cho các chú cừu rồi bọc lại bằng lông cừu thật, gắn chân và đầu. Đàn cừu sẽ có 2 phiên bản gồm 4 chân và 2 chân cho một số cảnh quay đặc biệt. Để tạo cảm xúc cho các nhân vật, nhóm họa sĩ sẽ điều chỉnh từng nét vẽ nhằm thể hiện sự buồn chán, tức giận hay vui vẻ.
Trong khi đó, chú chó chăn cừu Bitzer lại được làm nên bằng cách ráp từng bộ phận với nhau thay vì đúc khuôn. Để tạo ngoại hình nổi bật, Bitzer được sơn màu vàng và đây cũng là nhân vật khó thiết kế nhất. Lý do là bởi Bitzer có nhiều cảnh hành động nên dễ bị nứt vỏ ngoài. Dù vậy, ekip làm phim vẫn khiến khán giả thích thú với một chú chó chăn cừu biết cách ứng xử, linh động và đôi khi cũng vô cùng nghịch ngợm.