Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:58
RSS

30 dự án khi Hà Tây nhập về Hà Nội ‘đứng hình’: Nhiều chủ đầu tư bế tắc

Thứ tư, 27/10/2021, 10:23 (GMT+7)

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai, nhưng sau 13 năm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, 30 dự án thuộc nhóm Ia vẫn đình trệ, nằm trên giấy. Nhiều chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ là do UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn thực hiện…

Sự kiện:
Hà Nội

13 năm đắp chiếu

Ngày 5/9/2008, một tháng sau khi Hà Tây chính thức sáp nhập vào Hà Nội, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 240/TB-VPCP(ban hành kèm theo danh sách danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được triển khai) thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng.

Theo quyết định này, Thủ tướng đồng ý cho phép triển khai là 30 dự án (dự án nhóm Ia) và 107 dự án (Nhóm I b) tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh về nội dung quy hoạch (dự án nhóm Ib).

Chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 240/TB-VPCPnêu rõ: UBNDTP Hà Nội tạo điều kiện cho các dự án phù hợp với quy hoạch, đã thực hiện đầy đủ thủ tục, quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố được tiếp tục triển khai.

Đối với các dự án còn lại, cần hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện, bổ sung các nội dung theo đúng quy định, bảo đảm tính thống nhất, gắn kết, hài hoà giữa các dự án và phù hợp với chức năng của không gian đô thị được quy hoạch.

Tuy nhiên, 13 năm sau khi Thủ tướng chấp thuận cho 30 dự án thực hiện, đến nay nhiều dự án mới chỉ nằm trên giấy, mặt bằng công trình vẫn chỉ là ruộng lúa, đất nông nghiệp mà không có bất cứ công trình nhà ở, khu đô thị nào được xây dựng theo đồ án đã được Thủ tướng thông qua.

Có thể kể đến dự án Khu dịch vụ - du lịch Phú Cường tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Đây là dự án do Công ty TNHH Cơ khí Phú Cường là chủ đầu tư, có quy mô 18.814,9 m2. Ngày 23/11/2007, UBND tỉnh Hà Tây đã có Quyết định số 2173/ QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án, tuy nhiên kể từ đó đến năm 2021, trải qua 14 năm nhưng các thủ tục pháp lý vẫn…dậm chân tại chỗ.

Với quy mô như vậy, nhưng sau 13 năm được Thủ tướng chấp thuận, hiện nay chủ đầu tư mới chỉ xây dựng tường bao xung quanh và trồng cây lâu năm trên diện tích được giao. Mới đây nhất, ngày 19/4/2021, Công ty TNHH Cơ khí Phú Cường có văn bản gửi Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội đề nghị có ý kiến hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ, du lịch Phú Cường. Đến ngày 10/6/2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản phúc đáp.

Một dự án khác cũng nằm “bất động” sau hàng chục năm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội là dự án Khu đô thị Làng Thời Đại, có quy mô 149,83 ha tại Thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Ngày 29/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây ra Quyết định số 3069/QĐ-UBND giao Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Phú Mỹ (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ) làm chủ đầu tư.

Dù vậy, đến tháng 8/2021, thông tin từ UBND huyện Chương Mỹ cho biết dự án này vẫn chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ cũng chưa triển khai xây dựng các công trình trên diện tích đất quy hoạch.

Ông Đỗ Trọng Phú – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ cho biết nguyên nhân chậm tiến độ là “Thành phố vẫn đang cho rà soát, giao sở Quy hoạch – Kiến trúc đẩy nhanh việc thẩm định đề phê duyệt quy hoạch, làm cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết theo quy hoạch phân khu được duyệt”.

Nhiều dự án lớn chậm tiến độ từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội (Ảnh minh họa)

Thiếu hướng dẫn

Một chủ đầu tư cho biết từ khi Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 240/TB-VPCPthông báo kết luận của Thủ tướngvào năm 2008, thì cho đến nay UBND TP Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể cho từng dự án này được triển khai như thế nào. “Việc đỗ lỗi cho doanh nghiệp không chịu thực hiện là không đúng, chúng tôi đã làm nhiều văn bản “kêu cứu” nhưng thủ tục pháp lý  vẫn không có tiến triển, dự án sau 13 năm đến nay vẫn … đắp chiếu”, một chủ đầu tư bức xúc cho biết.

Theo đại diện nhà đầu tư này, các dự án trong nhóm Ia đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai đã được chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng UBND TP Hà Nội lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp triển khai dự án. Với tình trạng này, các khu đô thị thuộc nhóm Ia sẽ tiếp tục đình trệ, gây lãng phí rất lớn nguồn lực cho đất nước.

Liên quan đến thực trạng hàng chục dự án được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tuy nhiên vẫn vướng mắc thủ tục hành chính sau 12 năm, ông Trần Ngọc Chính – nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng trước hết, vấn đề này cần có cả trách nhiệm của chủ đầu tư và UBND thành phố Hà Nội.

Nếu Chính phủ đã có chủ trương cho phép thì đầu tiên nhiệm vụ của chủ đầu tư là phải chủ động liên hệ với các cấp và ban ngành để hoàn tất thủ tục. Ngược lại, thành phố cũng phải có động thái phản hồi chủ đầu tư:“Nếu chủ đầu tư đang làm đúng,  đã có dự án từ trước thì Hà Nội phải có trách nhiệm làm rõ và trả lời đến nơi đến chốn.

Đành rằng thành phố thì có rất nhiều công việc phải đảm nhận một lúc, nhưng nếu dân đã kêu thì phải có phản hồi. Chủ đầu tư có công văn kêu cứu thì Thành phố có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn kịp thời, nói rõ vướng mắc ở đâu, tại sao chưa triển khai được.”, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam nói.

Về việc nhiều dự án đã qua 3 đời Chủ tịch mà vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để triển khai, xét về góc độ cơ quan quản lý,  ông Chính cho rằng thực tế doanh nghiệp có thể gặp vướng mắc vì “mỗi đời Chủ tịch lại khác nhau: “Có thể lãnh đạo nhiệm kỳ mới không nắm bắt được hết công việc của nhiệm kỳ trước. Theo tôi, chủ đầu tư hoàn toàn có thể kêu cứu tới các cấp lãnh đạo cao hơn như Bộ Xây dựng và Chính phủ, nếu vẫn không được thì nên nhờ luật sư tư vấn và khởi kiện”, ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung Ương nhận định:“Tại sao một tổ chức lại có thể xảy ra việc như vậy? Cấp trên đã chỉ đạo mà chưa chịu triển khai thì cần nói rõ vướng mắc ở đâu, phải giải trình ngay.

Ví dụ một gia đình cha mẹ nói đúng con cái phải tuân thủ, đằng này hẳn là một tổ chức”, ông Hùng băn khoăn và đặt dấu hỏi về hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, chậm trễ xử lý và giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư.

“Nếu lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội không quyết liệt, xử lý qua loa kiểu thông cảm cho nhau thì còn gì là quản lý giám sát nữa. Đã là chỉ đạo thì phải làm đến nơi đến chốn, xem xét giao nhiệm vụ, chỉ đạo đã sâu sát chưa chứ không thể thiếu trách nhiệm như vậy”, ông Hùng nhấn mạnh.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại