PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học giáo dục – ĐHQG Hà Nội. Ảnh: IT
Các chuyên gia giáo dục đưa ra tư vấn, hỗ trợ để thí sinh có sự lựa chọn phù hợp, đúng đắn nhất.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQG Hà Nội: Nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản
Trước hết, chọn việc nào để mình phát huy được sở trường cũng như đem lại hạnh phúc là sự lựa chọn tốt nhất. Vì thế, trong quá trình lựa chọn, học sinh, phụ huynh phải căn cứ vào công việc hợp với mình chứ không phải công việc đó “hot” hay không.
Thị trường lao động liên quan đến cung cầu. Có thể ở thời điểm này thị trường có nhu cầu cao nhưng vài năm sau lại thấp. Khó đoán được thị trường diễn tiến ra sao. Nếu nắm được chắc chắn một xu hướng thì hãy lựa chọn.
Tiếp theo, khi nói tới sự phù hợp, tức là nói tới tính cách hay giá trị của con người phù hợp với yêu cầu công việc. Trên thực tế, có người hoạt bát, người trầm tính; người thích công việc sôi động, người thích công việc ra quyết định… Vì thế, phải hiểu được con người, tính cách bản thân; hiểu được môi trường làm việc phù hợp từ đó tìm công việc nào đáp ứng được sở trường, cá tính để lựa chọn.
Lựa chọn nghề dựa trên thái độ là nguyên tắc thứ 3. Chọn nghề để có thể phát triển hoặc để tạo ra thành quả hơn vì nhiều tiền, dễ xin việc. Nói cách khác, chọn nghề mang lại ý nghĩa cho bản thân là động cơ mạnh nhất để duy trì sự nghiệp và công việc sau này.
Bố mẹ, học sinh chọn trường, chọn nghề ở bối cảnh hiện tại cần lưu ý: Chọn lĩnh vực nghề nghiệp chứ đừng chọn công việc a, b, c cụ thể. Khi cha mẹ định vị cho con vào một công việc nào đó cụ thể sẽ gây ra áp lực bởi trong quá trình học tập, công việc sẽ có sự thay đổi theo thời gian. Học đại học không phải để ra làm nghề nào đó cụ thể mà học để có kiến thức nền tảng và qua đó lựa chọn, sàng lọc công việc gắn bó sau này. Nếu định sẵn học để trở thành bác sĩ, luật sư kinh tế thương mại… sẽ làm bó hẹp nghề nghiệp về sau mà trên thực tế còn có thể thay đổi.
Trong việc chọn trường, bố mẹ cần xác định được lĩnh vực con mình định làm. Từ lĩnh vực đó sàng lọc ra những trường đào tạo lĩnh vực đó và xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao tới thấp. Ưu tiên ở đây là mức điểm phù hợp với năng lực, điểm xét tuyển phù hợp với thế mạnh bản thân, học phí, địa bàn nơi học, cơ hội ra nước ngoài…
Quan điểm học sinh ở miền Bắc chỉ lựa chọn trường ở khu vực phía Bắc, các bạn ở miền Nam lựa chọn trường phía Nam không còn phù hợp. Bởi mỗi người có thể lựa chọn ở khu vực địa lý khác nhau, miễn phù hợp với mong muốn và xu hướng bản thân. Như vậy sẽ mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
TS Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học Viện Thành Công. Ảnh: NVCC
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học Viện Thành Công: Chọn nghề, chọn trường phù hợp năng lực
Thị trường lao động ở các thành phố lớn qua nghiên cứu cần 20% trình độ đại học và trên đại học, 14 - 16% sơ cấp chưa được đào tạo nghề, 68% cần lao động tay nghề cao hoặc trung cấp, cao đẳng.
Vì vậy khi tư vấn định hướng, các thầy cô cần chỉ cho các em thấy nếu nằm trong 20% xuất sắc mới thi vào đại học. Như vậy đầu ra sẽ đảm bảo yếu tố việc làm tốt hơn. Cần xác định được mục tiêu rộng, rõ ràng đó là học đại học phải theo năng lực (học tập), xác định sự nghiệp đi theo công việc học tập, chuyên môn sâu. Nếu học đại học xong chỉ để tìm một việc làm thì lãng phí bởi nhu cầu không cần quá nhiều lao động có trình độ như vậy.
Nhiều trường đại học đã thống kê có từ 60 - 80% sinh viên ra trường không làm đúng nghề nghiệp đã học. Thậm chí ở nhiều địa phương sinh viên học xong “cất” bằng đại học và vào làm việc trong các khu công nghiệp, làm công nhân; Có sinh viên bám trụ ở thành phố, không xin được việc thì làm xe ôm công nghệ Điều đó không tương xứng với trình độ, gây lãng phí về nguồn lực và đào tạo.
Chúng ta đã có phân luồng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu xã hội. Do đó chọn ngành, chọn nghề cần đảm bảo được các yếu tố: Không nên chọn ngành nghề “hot” bởi hôm nay có thể hot nhưng khi học xong lại hết “hot”. Thời đại 4.0 thay đổi liên tục. Cần phải căn cứ vào “nền tảng” con người để định hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Học sinh cần lưu ý chọn công việc theo năng lực, tài năng bởi cái gì giỏi nhất mới có khả năng thành công lớn nhất.
Bên cạnh đó hãy lựa chọn ngành nghề trong tương lai có và cần. Nếu tương lai không cần hoặc phải cạnh tranh lớn với máy móc, rô-bốt… thì cơ hội việc làm càng khó. Cùng đó, yếu tố tiền lương được trả nhiều hay ít? Nếu chọn một nghề để làm chỉ vì đam mê thì cuộc sống vất vả, khổ sở, yếu tố bền vững không cao.
Đối với phụ huynh, định hướng với nghề nghiệp của con cái vô cùng quan trọng bởi các em chưa có kinh nghiệm. Do đó, phụ huynh ngoài việc nắm bắt yêu cầu nghề nghiệp, xu hướng thị trường, tài năng của con… cần trao đổi cẩn thận để xem ước mơ, khát vọng, mong muốn của trẻ. Cần phân tích cho các em một số yếu tố cơ bản khi chọn trường, chọn nghề như truyền thống gia đình... Và đặc biệt muốn trẻ tham gia công việc có sự cạnh tranh nhưng không bị đào thải, cha mẹ hãy trang bị cho con kỹ năng, thái độ sống, làm chủ kiến thức và các mối quan hệ…
Năm nay, các thí sinh cũng lưu ý sự khác biệt so với năm trước, đó là Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học, cao đẳng mở rộng hình thức xét tuyển. Mặt khác, những năm trước các trường xét học bạ còn ít thì năm nay các trường xét học bạ gia tăng và có nhiều hình thức xét tuyển khác. Thí sinh nên lưu ý, có thể điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng chỉ giới hạn trong một hình thức xét tuyển dễ dẫn tới nguy cơ điểm cao vẫn trượt. Vì vậy, khi lựa chọn trường đại học phải đa dạng hình thức xét tuyển, có thể dùng học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế hoặc các cơ hội khác… để tăng khả năng đỗ vào đại học. - PGS.TS Phạm Mạnh Hà |