Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:12
RSS

Tội danh nào cho đối tượng chiếm đoạt iPhone 6S Plus ở phố Quan Nhân?

Thứ sáu, 22/09/2017, 16:03 (GMT+7)

Luật sư Nguyễn Anh Thơm đã có những chia sẻ liên quan đến vụ việc đối tượng cướp giật chiếc Iphone 6S Plus tại phố Quan Nhân.

Cướp điện thoại Iphone 6S Plus ở Quan Nhân

Đối tượng cướp Iphone 6S Plus ở Quan Nhân. Ảnh cắt từ clip

Tối 20/9, trên một số diễn đàn của mạng xã hội Facebook xuất hiện nội dung “tố cáo” kẻ trộm táo tợn giữa ban ngày.

Cụ thể, chủ cửa hàng chuyên mua bán, sửa chữa điện thoại cũ tại số 34 Quan Nhân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chiều cùng ngày, có một thanh niên ă vào cửa hàng và đề nghị cho xem điện thoại. Người này xem kỹ chiếc điện thoại iPhone 6S Plus đã qua sử dụng tại cửa hàng, và thực hiện các thao tác chụp ảnh “tự sướng” để thử camera.

Trong quá trình này, đối tượng cố tình lùi dần về phía cửa, trong khi người bán hàng mất tập trung, vì đang xem điện thoại khác cho khách bất ngờ đối tượng cầm chiếc iPhone 6S Plus cũ phi thẳng lên xe máy và bỏ chạy, khiến cho người bán hàng không kịp trở tay. Những hình ảnh trích xuất từ camera tại cửa hàng cho thấy đối tượng thực hiện vụ trộm rất táo tợn, khi không bịt mặt và thực hiện hành vi một mình.

Sau đó, chủ cửa hàng đã lên Công an phường (CAP) Trung Hòa để trình báo sự việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua quá trình rà soát, CAP Trung Hòa đã phát hiện đối tượng trú tại phố Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình, Thanh Xuân). Tổ CSHS của CAP Trung Hòa phối hợp với CAP Khương Đình đã rà soát, nhận dạng đối tượng và vận động gia đình đưa đối tượng tới cơ quan công an đầu thú.

Sáng 22/9, đối tượng thực hiện vụ trộm iPhone 6S Plus táo tợn ở phố Quan Nhân đã tới trụ sở CAP Trung Hòa đầu thú. Đối tượng được xác định là Đào Văn Long (SN 1988, trú tại Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân).

Tại cơ quan công an, đối tượng Long khai rằng, do trước đó có uống rượu tại nhà nên thiếu tự chủ về hành vi, dẫn tới việc ăn trộm chiếc điện thoại. Đối tượng bày tỏ sự ăn năn, hối cải và mong muốn được khắc phục hậu quả của hành vi mà mình đã gây ra.

Trao đổi LS Nguyễn Anh Thơm (VP LS Nguyễn Anh – Đoàn LS Hà Nội), luật sư cho biết: Tội cướp giật tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng để tránh sự phản kháng của chủ sở hữu tài sản. Hành vi giật tài sản của người phạm tội được thực hiện một cách công khai, tức là không có ý thực che dấu hành vi của mình với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và những người khác.

Đây cũng là một đặc trưng để phân biệt với những trường hợp phạm tội khác như: hành vi trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không có tính công khai, trắng trợn. Hành vi chiếm đoạt ở tội cướp giật tài sản có 2 dấu hiệu bắt buộc để phân biệt với những hành vi chiếm đoạt ở các tội phạm khác là “công khai” và “nhanh chóng tẩu thoát”.

Để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản vướng mắc, không để ý, không có khả năng đuổi bắt hoặc giành giật lại tài sản để chiếm đoạt tài sản như: giả vờ vào Salon ô tô xem xe, lợi dụng người bán hàng không để ý đã nổ máy xe rồi bỏ chạy; hoặc trường hợp chủ sở hữu đưa điện thoại cho đối tượng xem nhờ chỉ dẫn và đối tượng đã cầm điện thoạt bỏ chạy...

Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội giật được tài sản từ người khác, kể cả trường hợp người phạm tội bỏ lại tài sản đã cướp giật được để tẩu thoát. Người phạm tội thực hiện hành vi một cách nhanh chóng với mong muốn chủ tài sản không kịp phản ứng và ngăn cản việc chiếm đoạt, do vậy họ không có khả năng bảo vệ tài sản

Xét hành vi phạm tội của đối tượng đã được chủ cửa hàng đưa cho xem điện thoại iPhone 6S Plus (trị giá khoảng 6 triệu đồng) đã lợi dụng sự lơ là, không để ý bỏ chạy để chiếm đoạt đã cấu thành tội cướp giật tài sản.

Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 1 Điều 136 BLHS. Điều 136. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus/GĐVN