Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:08
RSS

Thực phẩm chức năng - cần sự vào cuộc sớm của cơ quan chức năng

Thứ hai, 18/04/2022, 13:17 (GMT+7)

Những năm gần đây “thực phẩm chức năng” (TPCN) đã trở thành cụm từ thông dụng trong đời sống thường nhật.

 

Ở một mức độ nào đó, những sản phẩm này đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong việc dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh tật. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhận thức về TPCN, sản xuất và quản lý chất lượng mặt hàng đặc biệt này đã bộc lộ những biểu hiện tiêu cực khiến dư luận xã hội hết sức lo lắng.


Ảnh minh họa: Các loại thực phẩm chức năng

Trên thực tế, nhiều loại TPCN không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc hay chức năng cơ thể. Đáng chú ý, có nhà sản xuất hay nhà phân phối còn “lập lờ” công dụng giữa TPCN và thuốc chữa bệnh. Điều này hết sức nguy hại bởi nó khiến không ít người tiêu dùng, do trình độ nhận thức còn hạn chế, đã tự ý bỏ thuốc đặc trị được các bác sĩ kê đơn mà sử dụng TPCN một cách đơn thuần khiến cho bệnh tình trở nên nặng hơn. Thậm chí, nó còn gây ra những nguy hại cho sức khỏe hay những biến chứng kèm theo. Có nhiều trường hợp “khóc dở, mếu dở”, tiền mất tật mang khi sử dụng những TPCN được quảng cáo là “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”.

Có những kiểu “luồn lách” khác, ví dụ như các TPCN tự gán mác “thực phẩm chữa bệnh” để lách các quy định của những cơ quan kiểm duyệt. Cũng có trường hợp nhà sản xuất “tự thêm nếm” một số hoạt chất vào các sản phẩm giàu chất béo, cholestelrol, đường…để bán dưới dạng TPCN. Bởi vậy, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm mà mình đang sử dụng.

Mỹ là quốc gia có nền công nghiệp nghiên cứu và sản xuất TPCN hàng đầu thế giới Đây cũng là quốc gia tiêu thụ và xuất khẩu lớn nhất loại mặt hàng đặc biệt này. Ở đó, hội đồng khoa học và sức khỏe đã tiến hành phân loại các TPCN thành từng nhóm như: nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức độ vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ độ tin cậy, cần nghiên cứu thêm, nhóm còn tranh cãi đề nghị người dùng tìm hiểu và lựa chọn. Ở ta điều này chưa được phân định một cách rạch ròi bằng các quy định của ngành y tế. TPCN đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” mà không biết hoa nào thật, hoa nào giả và mức độ thật giả đến đâu.

Xin được đề cập một chút đến hai vấn đề gây bức xúc trong dư luận về sản xuất và tiêu thụ TPCN.

Đầu tiên là việc quảng cáo TPCN. Đây được coi là vấn nạn gây bức xúc đến mức khó chịu. Dĩ nhiên, hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm của mình là quyền của doanh nghiệp được quy định rất rõ trong Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, hiện nay việc quảng cáo TPCN trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội đang tồn tại nhiều vấn đề. Mặc dù quy định rất rõ ràng nhưng TPCN đang được thần thánh hóa đến mức quá đà, giống như “có thể chữa trị được bách bệnh”. Những sản phẩm này xuất hiện với tần suất dày đặc với những lời lẽ “một tấc lên trời”, các nội dung không được thẩm định rõ ràng khiến người tiêu dùng hoang mang không biết đâu là sự thật. Tinh vi hơn khi những nhà sản xuất, nhà phân phối còn “mượn danh” một số y, bác sĩ, nhà khoa học, người nổi tiếng…để nói về “công dụng” thần kỳ của các loại TPCN và nhập nhèm giữa TPCN với các loại thuốc đặc trị. Đáng nói hơn, có một bộ phận những người nổi tiếng, có uy tín trong xã hội cũng tham gia vào việc quảng bá cho các sản phẩm TPCN này bất chấp thực tế ra sao, khiến người tiêu dùng càng thêm rơi vào ma trận khó mà phân biệt “thật, giả” các loại TPCN.


Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phạt Dược phẩm Hoàng Hường

Có thể kể ra ví dụ cho việc quảng cáo trên mạng xã hội, facebook, tik tok gần đây là Dược phẩm Hoàng Hường. Dù chưa có bất cứ kiểm chứng nào của các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ Y tế, họ vẫn “nổ” tung trời một cách “vô thiên vô pháp” với những động từ cực mạnh như “diệt” “đặc trị”, “loại bỏ”, “bệnh dứt từ kiếp này đến kiếp trước”…Ngày 13/4 mới đây, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phạt Dược phẩm Hoàng Hường số tiền 65 triệu đồng vì hành vi vi phạm luật quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường. Khó hiểu là trước đó chỉ vài ngày, trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam chương trình “điểm tựa tương lai”, dược phẩm Hoàng Hường được giới thiệu như một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực dược liệu sạch, không ngừng đầu tư công nghệ cao. Trong chương trình, thậm chí có một người được giới thiệu là bệnh nhân đã quỳ sụp xuống cám ơn bà chủ tịch Hoàng Hường (?).


Lực lượng Quản lí thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh TPCN

Vấn đề thứ hai là việc làm giả TPCN. Đây cũng được xem là vấn nạn, các cơ quan chức năng đã và đang ráo riết vào cuộc nhưng xem ra chỉ “như muối bỏ biển”. Lý do rất dễ hiểu việc làm giả TPCN cực kỳ dễ dàng và mang lại một lợi nhuận khổng lồ. Trong các sách lý luận kinh tế kinh điển, từ trích dẫn lời của Karl Marx “vì mối lợi lên đến 300%, họ sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng”. Xin lấy ví dụ một vụ việc mà các cơ quan chức năng đã phanh phui ra. Một cặp vợ chồng lên mạng nghiên cứu cách làm giả TPCN điều trị xương khớp, sau đó về mua viên C sủi dập lại nhãn mác rồi bán ra thị trường kiếm lời. Tại cơ quan công an, vợ chồng họ khai nhận việc làm giả TPCN chỉ khoảng 15 ngàn đồng nhưng bán ra thị trường có giá gần 800 ngàn đồng. Quả là một lợi nhuận khủng khiếp cho những kẻ gian thương coi thường sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Điểm khó khăn nhất của việc chống loại hàng giả này là việc kinh doanh trên mạng không có “địa giới hành chính” nào cả. Các đối tượng có thể bán những sản phẩm này bất cứ ở đâu mà cơ quan chức năng rất khó điều tra làm rõ hành vi gian lận ấy. Chính vì vậy mà cần thiết phải có một đơn vị phối hợp chuyên trách chống hàng giả trên môi trường mạng. Đây cũng chính là lý do vì sao có sự ra đời của Viện kỹ thuật chống hàng giả và Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.
 
TPCN không nguồn gốc, không xuất xứ với chất lượng “trời ơi” đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói là các loại TPCN giả và nhái này được quảng cáo theo kiểu “một tấc lên giời”. Nhiều người nổi tiếng, người có uy tín trong xã hội đôi khi vô tình tiếp tay cho những hành vi quảng cáo này. Hãy thật cẩn trọng với các sản phẩm TPCN vì chúng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của chính bản thân mình. Bởi vậy, người tiêu dùng nên trang bị cho mình kiến thức, thông tin để trở thành “người tiêu dùng thông thái”.

PV
Theo Sức Khỏe 24h

CÙNG CHUYÊN MỤC