Thứ ba, 30/04/2024 | 02:31
RSS

Tám trường hợp nên nhập viện ngay nếu mắc sốt xuất huyết

Thứ hai, 24/07/2023, 14:11 (GMT+7)

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện đối với nhiều trường hợp.

 Tám trường hợp nên nhập viện ngay nếu mắc sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bưu điện. Ảnh: Báo sức khỏe và Đời sống

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023. Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Tại Việt Nam, dịch có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội…. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần 27 (7 - 14/7),trên địa bàn TP ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết dengue đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), để chẩn đoán chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như mức độ giảm tiểu cầu cần làm xét nghiệm máu khá đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng một vài giờ.

Đối với những người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình 150-450G/L. Khi sốt xuất huyết, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, PGS. Cường cũng khuyến cáo người bệnh cần đi khám ngay nếu tiểu cầu giảm nhanh, có biểu hiện xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da…), có hiện tượng cô đặc máu (chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan...). Việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp đó là: sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại